Multimedia Đọc Báo in

Chủ động, sáng tạo trong triển khai chương trình

08:37, 08/09/2010

Những năm qua, các  chính sách và giải pháp xóa đói, giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên cả ba phương diện: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã mạnh dạn, chủ động đề ra những cách làm sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thị xã Buôn Hồ đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình 167, giúp người nghèo có chỗ ở ổn định. Chính quyền thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhờ đó đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội trong công tác hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn. Ông La Thành Văn, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Tùy đặc điểm tình hình địa phương mà mỗi xã, phường có những cách làm linh hoạt, chủ động, như đứng ra bảo lãnh vật liệu xây dựng cho người dân khi nguồn vốn chưa giải ngân kịp thời, vận động cán bộ và nhân dân ủng hộ hơn 180 triệu đồng, báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo một cách chặt chẽ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc… Đến nay, thị xã đã  hoàn thành tiến độ kế hoạch đợt 1 với 151 căn nhà được xây dựng và đưa vào sử dụng, mỗi căn nhà có diện tích  24m2 trở lên. Chương trình thực sự có ý nghĩa với người nghèo, góp phần giúp họ ổn định cuộc sống, như gia đình chị H’yu Êban ở buôn Dlung, phường Thống Nhất, có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng mất, một mình chị nuôi con, cả gia đình phải sống trong căn nhà cũ, dột nát, từ sự hỗ trợ của Chương trình 167 gia đình chị đã xây dựng được một căn nhà mới khang trang, kiên cố với diện tích 32m2; hay gia đình ông Lê Phúc Đạm ở tổ dân phố Quyết Tiến 1 phường Bình Tân đã cao tuổi vẫn vất vả làm lụng nuôi 2 người con trai bị bệnh, đến khi được hỗ trợ vốn mới có điều kiện xây dựng lại ngôi nhà mới…

Nông dân buôn Dlung (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk) ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Nông dân buôn Dlung (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk) ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Ở huyện Cư M’gar, chính quyền từ huyện đến xã đã có những cách làm sáng tạo, linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Đề án Xóa đói giảm nghèo của huyện được cụ thể hóa bằng những chương trình thiết thực với hộ nghèo. Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đoàn liên ngành (gồm các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội) của huyện thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ nghèo nhằm triển khai tốt các chính sách ưu đãi đúng nhóm đối tượng, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ để có hướng giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Qua những buổi đối thoại trực tiếp, người nghèo nắm được các chính sách ưu đãi Nhà nước dành cho mình, đặc biệt xác định rõ trách nhiệm của bản thân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do huyện phát động từ đầu năm 2009 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Cuộc vận động được các đoàn thể quần chúng xây dựng thành chương trình hành động cụ thể: Hội Chữ thập đỏ huyện đã quyên góp hỗ trợ hàng trăm con heo, bò giống để hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi và  tặng quà, làm nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;  Đoàn Thanh niên phối hợp với các đơn vị liên quan mở hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng sắn, tre lấy măng, điều cao sản cho các hộ gia đình trẻ,  nhận đỡ đầu, giúp đỡ có địa chỉ hàng trăm gia đình thanh niên nghèo; Hội Phụ nữ các cấp vận động 149 chị có kinh tế khá, giúp trên 150 chị em nghèo vay gần 1,5 tỷ đồng  không tính lãi hoặc với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế… Cũng qua cuộc vận động này cán bộ, đảng viên có điều kiện thể hiện năng lực thực tế giúp người dân  tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo; đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những chính sách ưu đãi… đến với người nghèo cụ thể, thiết thực hơn. Qua 1 năm triển khai đã có trên 3.000 địa chỉ nhân đạo nhận được sự giúp đỡ, góp phần đưa hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Sau 4 năm triển khai Đề án Xóa đói giảm nghèo (2005-2009), số hộ nghèo đã giảm từ 7.078 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 24% tổng số hộ toàn huyện xuống còn 3.772 hộ, chiếm hơn 11%...

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc