Multimedia Đọc Báo in

CHƯƠNG TRÌNH 135 CỦA CHÍNH PHỦ:

Đổi thay diện mạo những vùng quê

09:34, 07/09/2010

Mục tiêu Chương trình 135 của Chính phủ chính là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

Kết thúc Chương trình 135 giai đoạn I, Dak Lak có 38 xã của 12 huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được đầu tư với tổng kinh phí 123.763 triệu đồng. Trong đó đã thực hiện đầu tư xây dựng 267 công trình hạ tầng thiết yếu, và xây dựng được 13 trung tâm cụm xã. Kết thúc giai đoạn I, toàn tỉnh đã có 15 xã thuộc 8 huyện hoàn thành cơ bản các mục tiêu và ra khỏi diện đầu tư của Chương trình. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010), từ năm 2006 đến 2009, tổng kinh phí thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh là 287.741,45 triệu đồng đã được đầu tư cho 35 xã và trên 80 thôn buôn ĐBKK.

Ông Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan thường trực thực hiện Chương trình 135 ở Dak Lak cho biết: “Trên cơ sở những mục tiêu cụ thể của Chương trình chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đầu tư về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, đầu tư nâng cao đời sống văn hóa xã hội cho người dân... Trong mỗi mục tiêu cụ thể của Chương trình thì tùy vào điều kiện thực tế ở địa phương, chúng tôi triển khai nhiều chương trình dự án nhỏ khác nhau nữa. Mục đích cuối cùng chính là sớm phát huy hiệu quả để người dân được hưởng lợi”.

Công trình đường giao thông ở xã Cư Pui (Krông Bông) đang được xây dựng từ nguồn vốn 135.
Công trình đường giao thông ở xã Cư Pui (Krông Bông) đang được xây dựng từ nguồn vốn 135.

Nói về hiệu quả của Chương trình 135 ở địa phương mình, ông Y Thân Buôn Krông, Chủ tịch UBND xã Ea Rbin (Lak) phấn chấn khoe: “Nhắc đến Ea Rbin thì có lẽ ai cũng biết là xã xa nhất và nghèo nhất tỉnh Dak Lak rồi. Những năm trước đây đời sống của bà con chủ yếu là tự cấp tự túc bởi không có phương tiện sản xuất, giao thông cách trở... Sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu là để... ăn chứ chẳng có ai mua bởi không có đường vận chuyển. Con em đi học thì cũng chỉ đến cấp I, vài cháu lên được cấp II rồi ở nhà bởi không có trường. Mới đây, nhờ có Chương trình 135 đầu tư làm con đường dài 25 km nối từ xã Nam Ka vào đến trung tâm xã (kinh phí trên 80 tỷ đồng) nên đời sống người dân đã thay đổi hẳn. Giao thông thuận lợi, hàng hóa thông thương nên đời sống của người dân đã đổi thay rõ rệt. Nhiều nhà mua được xe máy, thậm chí còn mua cả ô tô để vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm...Bên cạnh đó là trạm y tế, trường học, điện chiếu sáng cũng đều được đầu tư xây dựng để phục vụ người dân nên bà con rất phấn khởi...”. Gặp chúng tôi, Y Sinh Niê, trưởng buôn Sa Bốk (Ea Rbin) tâm sự: “Người dân  ở đây bao đời nay đã sống trong khó khăn thiếu thốn. Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước mà đời sống chúng tôi được nâng cao nên người dân mừng lắm. Mình biết là bà con vẫn còn nghèo, còn khó khăn hơn nhiều nơi khác, nhưng mà có được cuộc sống mới này quả thật là rất tốt rồi, thế hệ cha anh chúng tôi nằm mơ cũng không thấy được...”.
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình giai đoạn II, toàn tỉnh đã giải ngân được 24.740 triệu đồng cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong đó có nhiều dự án nhỏ như: hỗ trợ giống bò sinh sản (2.231 con), hỗ trợ 589 máy móc phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phân bón, cây giống; xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn khuyến nông... Đối với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay toàn tỉnh cũng đã hoàn thành giá trị xây dựng trên 119 tỷ đồng. Trong đó, số danh mục công trình được đầu tư là 334 công trình, lập dự án quy hoạch cơ sở hạ tầng cho 34 xã... Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng nhằm phát triển và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở cũng đều được lập thành dự án và đã được triển khai theo kế hoạch hằng năm. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý... cũng đều được triển khai và thực hiện có hiệu quả.

Chính nhờ kết cấu hạ tầng được đầu tư, công tác khuyến lâm, khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và hỗ trợ giống, phân bón... được đầu tư đến tận thôn buôn, vào từng hộ đã tạo chỗ dựa vững chắc và là cơ hội cho hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số vùng ĐBKK trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bằng chứng sinh động là con số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm từ 47.243 hộ năm 2006 (tỷ lệ 27,55%) xuống còn 29.130 hộ năm 2009 (12,45%).  

Có thể nói, việc thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh ta đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền thực sự quan tâm cùng với sự đồng thuận tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân nên đã đạt được những kết quả tích cực. Đánh giá hiệu quả của chương trình, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Chương trình 135 đã đem lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng. Các hộ dân trên những địa bàn ĐBKK đã được hỗ trợ để từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện công bằng xã hội; tăng cường mối đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc