Multimedia Đọc Báo in

DỰ ÁN CẤP ĐIỆN CHO THÔN BUÔN ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ:

Điện về bừng sáng thôn, buôn

09:42, 07/09/2010

Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên được bắt đầu triển khai từ năm 2008 với tổng kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 85%, còn lại là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Riêng tại Dak Lak, dự án có tổng mức đầu tư gần 412 tỷ đồng cho cả hệ thống gồm: 477km đường dây trung áp, 559km đường dây hạ áp, 297 trạm biến áp, cấp điện cho hơn 22 nghìn hộ gia đình của 314 thôn, buôn thuộc 13 huyện, thị xã trên địa bàn. Với những nỗ lực không nhỏ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung, Điện lực Dak Lak (ĐLDL) nói riêng, Dự án đã sớm đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ mang lại ánh sáng cho những vùng xa xôi hẻo lánh, dòng điện đã thực sự làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê.

Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành và đã được tổ chức mừng công vào sáng 21-4-2010 vừa qua tại buôn Triă (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar). Trong ngày vui đón nhận dòng điện về với buôn làng, ông Y Mor Kbuôr (buôn Dhung, xã Ea M’droh, Cư M’gar) không giấu được niềm vui tâm sự: “Chỉ cách đây vài tháng, ánh điện với đồng bào mình thật xa lạ. Bây giờ có điện rồi, đồng bào sẽ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.

Thi công xây lắp điện tại buôn Dhung, xã Ea M’droh, Cư M’gar.
Thi công xây lắp điện tại buôn Dhung, xã Ea M’droh, Cư M’gar.


Đó không chỉ là niềm vui của riêng ông Y Mor Kbuôr mà đó còn là sự tin tưởng sẽ thoát được cảnh nghèo khó của tất cả đồng bào những địa phương được thụ hưởng dự án này. Tại vùng đất hẻo lánh xã Cư San (M’Drak), vợ chồng anh Hải là người dân tộc Kinh đầu tiên đến định cư tại Tak Kai (trung tâm xã Cư San bây giờ), nhớ lại những ngày đầu tiên có điện. Anh kể: Nhà anh là hộ đầu tiên trong xã có điện, lập tức anh ra phố huyện mua hẳn một chiếc ti vi 21 inch màn hình phẳng. Ngày đầu tiên anh mở ti vi ra xem cũng là lúc trường tiểu học của xã tan trường. Do tiệm tạp hóa của anh đối diện với cổng trường nên toàn bộ học sinh đổ ào ra xem ti vi. “Đám trẻ nhỏ lạ lắm, nhìn người nói trong ti vi chúng nó cứ tròn xoe mắt. Hình như là lần đầu tiên mới thấy ti vi” - anh nói.

Từ ngày có điện ấy đến nay, Cư San đã thay đổi hoàn toàn. Ông Trần Văn Huy, Chánh Văn phòng UBND xã vui vẻ nói về hiệu quả to lớn mà dòng điện mang lại cho bà con: “Kể từ ngày có điện, điều kiện sinh hoạt và cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Toàn xã có trên 1.000 hộ đã được kéo điện thì hiện có hàng trăm hộ đã sắm ti vi để giải trí và theo dõi tin tức, gần 50 hộ có tủ lạnh, hàng trăm hộ đã có nồi cơm điện, gần 400 hộ đã có mô-tơ bơm nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”. Không chỉ làm đổi thay đời sống tinh thần của người dân, nhờ có điện nên trong xã đã có nhiều cơ sở thu mua, chế biến nông sản tại chỗ tiêu thụ khá lớn lượng nông sản của bà con, tránh bị tư thương ép giá như những năm trước đây. Hiện nay gần như ở thôn nào cũng có máy xay xát chạy bằng điện. Đến với Cư San những ngày này, sau vụ thu hoạch lúa ngô, tiếng máy xay ù ù đã nói lên những đổi thay khác biệt trên vùng đất này.

Không chỉ ở Cư San mà dường như đời sống của người dân nơi đâu cũng đổi thay đáng kể nhờ có điện. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, trưởng thôn Giang Minh, (xã Ea Búp, huyện Krông Năng) cho biết: “Thôn Giang Minh có 242 hộ dân từ trước đến nay cuộc sống thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là về đời sống tinh thần. Khi nghe tin Nhà nước đầu tư kéo điện đến từng hộ dân, bà con trong thôn ai cũng mừng, cũng chờ đợi ngày có điện. Ngày đóng điện cho thôn, nhiều người đã mổ gà, vịt vừa ăn mừng vừa xem... điện”. Còn ông Y Blé Niê,  trưởng buôn Ea Sin (xã Ea Sin, Krông Buk) thì vui mừng kể: “Có điện, đời sống bà con buôn mình được cải thiện nhiều lắm. Các cháu không phải học trong cảnh đèn dầu; bà con được xem ti vi, nghe đài và sử dụng các đồ điện dân dụng khác...” Còn anh Y Then Niê ở buôn Tơ Lơ (xã Ea Na, huyện Kông Ana) thì khẳng định chắc như bắp, sau khi bật chiếc ti vi vừa mới tậu về: “Có điện là có tất cả!”. Y Then Niê tâm sự: “Tối tối sau mỗi ngày ra đồng, cả nhà quây quần bên chiếc ti vi là thấy sướng rồi!”.

Thực tế có thể thấy rằng Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên nói chung, 314 thôn, buôn trên địa bàn Dak Lak nói riêng đã phát huy hiệu quả và mang một ý nghĩa to lớn. Như khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại buổi lễ mừng công Dự án: Đây là Dự án mang tầm ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; là một trong những hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 7 của Trung ương về nông nghiệp – nông thôn – nông dân. Việc hoàn thành dự án này cũng là món quà thiết thực của Đảng và Nhà nước dành tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc