Multimedia Đọc Báo in

HỒ EA SÚP THƯỢNG: Tưới xanh “vùng đất khát”

09:49, 07/09/2010

Công trình thủy lợi Hồ Ea Súp thượng được khởi công xây dựng đầu năm 2001 tại địa bàn huyện Ea Súp bằng nguồn vốn huy động trái phiếu của Chính phủ. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ 2 ở Tây Nguyên (sau Hồ Ayun Hạ - Gia Lai) với tổng giá trị đầu tư 210 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình có diện tích mặt nước rộng 1.400 ha với lượng nước chứa 146 triệu mét khối, bảo đảm nước tưới cho 9.455 ha lúa cùng với diện tích các loại cây trồng của 7 xã: Ea Lê, Ea Bung, Ya R’vê, Ea Rốk, Cư M’lan, Ya Lốp, Ya T’mốt và thị trấn Ea Súp...

Theo đúng tiến độ thì sau gần 4 năm xây dựng, năm 2004 công trình được hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp và giải quyết nước sinh hoạt. Tuy nhiên, đến năm 2005 khi nhánh kênh chính đông dài hơn 20 cây số được đưa vào sử dụng thì công trình mới bắt đầu phát huy hiệu quả, mà trước hết là huyện Ea Súp đã tăng thêm hơn 2.000 ha cây trồng.

Nhớ lại những năm trước khi có công trình thủy lợi này, Ea Súp là một trong những địa phương có diện tích lúa nước ít nhất của tỉnh, mỗi năm chỉ có từ 2.000 – 3.000 ha lúa nước, diện tích còn lại chủ yếu trồng các loại rau, màu. Khi công trình Thủy lợi Ea Súp thượng đi vào hoạt động, vùng tưới mỗi năm đều tăng, diện tích cây lúa nước bắt đầu được mở rộng. Trong vụ hè thu năm 2010, huyện Ea Súp có kế hoạch gieo sạ trên 9.160 ha lúa nước, tăng gần 3.000 ha so với năm trước. Và hiện tại, Ea Súp đã trở thành huyện có diện tích lúa nước vụ hè thu nhiều nhất và là vùng trọng điểm lúa của tỉnh.

Một nhánh kênh dẫn nước từ công trình hồ Ea Súp thượng về tưới cho các cánh đồng ở Ea Súp.
Một nhánh kênh dẫn nước từ công trình hồ Ea Súp thượng về tưới cho các cánh đồng ở Ea Súp.


Nếu như trước đây, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nước sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc nước trời, từ khi công trình hồ Ea Súp thượng đi vào hoạt động, kênh dẫn nước về đến từng xã, buôn làng đã xóa đi muôn nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Nước sạch giờ đã đến được với từng hộ dân, họ không phải còng lưng gùi nước như những mùa khô trước. Các dự án di dân kinh tế vào mảnh đất vùng biên nhằm dãn dân và khai thác tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn đã cho thấy sự hồi sinh trên mảnh đất tưởng chừng như bỏ hoang vì thiếu nước như trước đây.

Vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Thìn và Huỳnh Thị Ba ở thôn 7 xã Cư M’lan từ Quảng Nam di cư vào huyện Ea Súp làm kinh tế và hiện đã xây dựng được  ngôi nhà khang trang, phía trước là vườn cây ăn quả rợp mát. Gia đình anh làm hơn 1 ha lúa nước hai vụ, mỗi năm thu gần chục tấn lúa, cộng với việc trồng thêm một số rau màu, ngô, đậu trên 5 sào đất rẫy gần nhà đủ cho gia đình có mức sống ổn định và nuôi 2 cậu con trai học đại học. Anh Thìn cho biết: “Trước đây người ta thường gọi Ea Súp là “vùng đất chết” bởi nơi đây chỉ có le và rừng khộp mới mọc lên nổi trên đất cằn. Ngay cả đất của gia đình tôi cũng chỉ trỉa được một vụ lúa rẫy, không làm được lúa nước. Từ khi hệ thống thủy lợi Hồ Ea Súp thượng dẫn nước về, ruộng có thể làm được lúa nước hai vụ, gia đình đã khá giả hẳn lên, không còn lo đói mỗi kỳ giáp hạt như trước nữa...”.

Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Nhờ nguồn nước hồ Ea Súp thượng, 5 năm qua diện tích gieo trồng của huyện đã tăng gần 3 lần, sản lượng lương thực tăng gần 2,5 lần. Người nông dân chủ động được nguồn nước tưới, đưa năng suất lúa lúa hè thu của huyện bình quân đạt 7,1 tấn/ha mỗi vụ, có nơi còn lên đạt 8-9 tấn/ha cao nhất tỉnh.

Cũng theo ông Toản, hiện nay hệ thống kênh chính Tây cũng đã thi công xong 14,5km và đã đưa vào sử dụng (theo thiết kế, kênh có chiều dài 32 km), tương ứng với gần 50% khối lượng công việc trên toàn tuyến kênh này. Hiện các đơn vị xây dựng thủy lợi đang khẩn trương thi công các gói thầu xây dựng còn lại của tuyến kênh chính Tây, phấn đấu đến đầu năm 2011 cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến kênh. Sau khi kênh dẫn này hoàn thành dự kiến sẽ đưa diện tích cây trồng được tưới nước từ hồ Ea Súp thượng lên trên 9.400 ha. Nếu như hệ thống kênh chính Tây đi vào hoạt động đồng bộ, mỗi năm huyện Ea Súp sẽ sản xuất thêm 6-7 nghìn hecta lúa mùa tạo ra thêm hàng vạn tấn lúa cùng với các loại nông sản, thủy sản...

Nhờ công trình thủy lợi này, hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở huyện Ea Súp đã và đang tăng cao dần. Và chắc chắn đời sống người dân cũng như nền kinh tế thuần nông ở huyện biên giới Ea Súp sẽ ngày càng phát triển đáng kể khi toàn bộ hệ thống kênh của công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

 

Lệ Văn

 


Ý kiến bạn đọc