Nhà máy Bia Sài Gòn – Dak Lak: Những kết quả nổi bật sau hơn 5 năm thành lập
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Dak Lak thành lập vào ngày 2-2-2005. Được khởi công vào tháng 6-2006 và hoàn thành sau 9 tháng xây dựng, công trình Nhà máy Bia Sài Gòn – Dak Lak giai đoạn I với công suất 25 triệu lít/năm (gồm 3 khu vực: sản xuất, nhà văn phòng và nhà phụ trợ, khu vực xử lý nước thải và khu đất trồng cây xanh với tổng nguồn vốn đầu tư 200 tỷ đồng) chính thức đi vào sản xuất từ ngày 1-5-2007. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chỉ một năm sau đó, Công ty đã đầu tư xây dựng giai đoạn II nâng công suất thiết kế nhà máy từ 25 triệu lít lên 70 triệu lít/năm với tổng vốn thực hiện 430 tỷ đồng và đưa vào sản xuất từ tháng 9-2009.
Thực hiện chủ trương của Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn về việc tổ chức lại các công ty con, công ty liên kết, ngày 20 - 9 – 2008, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Dak Lak, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Phú Yên và Công ty cổ phần Sài Gòn – Quy Nhơn được hợp nhất thành Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Dak Lak được đổi tên thành Chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn –Miền Trung tại Dak Lak (Nhà máy bia Sài Gòn – Dak Lak). So với các nhà máy khác thuộc Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn thì Nhà máy Bia Sài Gòn – Dak Lak ra đời muộn hơn và đối mặt với nhiều thử thách khi mới đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong 2 năm 2007, 2008, nhà máy vừa phải duy trì ổn định sản xuất vừa phải hoàn thành dự án giai đoạn II đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật trong khi giá cả nguyên vật liệu tăng cao do tác động của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của tỉnh về nguồn vốn vay, sự giúp đỡ của Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, và những giải pháp linh hoạt, sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ công nhân viên đã đưa nhà máy vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dự án đầu tư giai đoạn II hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật, sản xuất cũng luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Tính từ tháng 5-2007 đến tháng 8-2010, nhà máy đã sản xuất và đưa ra thị trường 145 triệu lít bia, lợi nhuận đạt 70 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước xấp xỉ 550 tỷ đồng. Hơn 200 lao động địa phương được tạo công ăn việc làm ổn định với mức lương bình quân tăng từ 2,8 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để khai thác lợi thế về nguồn nước, điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh, ưu thế của máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất bia, năm 2009, nhà máy tiến hành sản xuất sản phẩm bia tươi và tính đến nay đã sản xuất và đưa ra thị trường 1 triệu lít bia tươi được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2010, nhà máy tiếp tục sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm Bia chai SEREPOK (sẽ chính thức đưa ra thị trường trong tháng 9-2010).
Nhà máy Bia Sài Gòn - Dak Lak. |
Đặc biệt, chủ trương phát triển bền vững, hiệu quả sản xuất phải gắn với môi trường và công tác xã hội đã trở thành phong trào hành động, khơi dậy ý thức trách nhiệm, sáng tạo trong cán bộ công nhân viên của nhà máy. Trong hai năm 2008-2009, cán bộ công nhân viên nhà máy đã có 10 đề tài về các giải pháp hữu ích, cải tiến kỹ thuật trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường; trong đó giải pháp cải tiến kỹ thuật rút ngắn thời gian một mẻ nấu trên nồi Lautertun đã giúp tiết kiệm cho nhà máy trên 1 tỷ đồng/năm, giải pháp dùng khí thải CH4 đưa vào lò hơi không chỉ giảm chi phí trong sản xuất mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường. Riêng giải pháp rút ngắn thời gian một mẻ nấu trên nồi Lautertun còn đoạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo – Kỹ thuật của tỉnh năm 2009 và được Tổng Liên đoàn Lao động cấp Bằng lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà máy còn triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO: 9001-2008 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004. Trong chương trình thực hiện mục tiêu Quốc gia về ‘‘sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả’’, nhà máy đã đầu tư lắp đặt các thiết bị đo đếm năng lượng, hệ thống thu hồi khí Biogas từ hệ thống nước thải để cấp cho lò hơi đốt than, hệ thống thu hồi hơi thứ cấp tại nồi đun sôi. Tháng 6-2010, đến kiểm tra tại nhà máy, đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kết luận: các chỉ tiêu về môi trường tại Nhà máy Bia Sài Gòn – Dak Lak đều bảo đảm. Nhà máy cũng đã tham gia tích cực ủng hộ các nguồn quỹ phúc lợi, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, quỹ khuyến học của tỉnh. Nhà máy đã xây dựng nhà mẫu giáo với trị giá gần 800 triệu đồng để tặng buôn Yao kết nghĩa thuộc xã Ea Tul (Cư M’gar).
Ý kiến bạn đọc