Multimedia Đọc Báo in

Phân chia nguồn vốn vay hợp lý

08:33, 08/09/2010

Một trong những đoàn thể có đóng góp to lớn đối với công tác xóa đói, giảm nghèo tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pak là Hội Phụ nữ xã. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, Hội Phụ nữ xã Hòa Đông đã đứng ra tín chấp trên 1,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình. Để rà soát đúng đối tượng cho vay vốn, Ban chấp hành Hội đã “đến tận ngõ, gõ tận cửa” và hướng dẫn tận tình cho chị em sử dụng hợp lý nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, theo định kỳ hằng tháng, Hội còn cử các chi hội trưởng của thôn, buôn đến các hộ được vay vốn để biết được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế của họ so với trước. Chị Ngô Thị Thúy Hoàng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, thông qua báo cáo của các chi hội trưởng mà Hội nắm bắt được rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của từng hội viên. Tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể mà Hội phân chia số vốn vay phù hợp trong mức từ 4-10 triệu đồng. Chị Vũ Thị Hiền, thôn Hòa Thắng tâm sự, mấy năm trước gia đình chị rất nghèo, nhà có 5 người con, chồng là một thương binh hạng 4/4, sức khỏe có hạn, thu nhập của gia đình chị chỉ dựa vào 3 sào cà phê trong vườn. Khó khăn ngày càng chồng chất hơn khi các con của chị đến tuổi ăn học, bao nhiêu thứ phải lo toan. Hằng ngày, chị phải đi thu mua đồng nát về bán kiếm lời, còn chồng chị đi bán kem. Thế nhưng, may ra chỉ đủ kiếm miếng ăn hằng ngày, còn khi trái gió trở trời, bệnh của anh tái phát lại phải chạy vạy khắp nơi.

Cũng như nhiều gia đình hộ nghèo khác trong thôn, gia đình chị Hiền được vay 4 triệu đồng do Hội Phụ nữ xã tín chấp. Anh chị đã lấy số tiền đó mua một con bò cái, sau một năm có thêm một con bê, từ tiền bán bê và số tiền làm thuê dành dụm trong mấy năm trời, anh chị đã mua được 1 ha đất rẫy trồng cà phê. Từ đó, gia đình chị Hiền đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả của thôn Hòa Thắng.

Nhờ nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Vũ Thị Hiền ở thôn Hòa Thắng đã thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Vũ Thị Hiền ở thôn Hòa Thắng đã thoát nghèo.

Ngoài số tiền vốn tín chấp của Hội, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã Hòa Đông còn vận động chi hội các thôn góp vốn để giúp đỡ các chị em nghèo. Đến nay, 16/16 chi hội đều thành lập được tổ tiết kiệm giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, có chi hội số vốn lên đến hàng trăm triệu đồng như chi hội phụ nữ thôn 15, 16, Hòa Trung, Hòa Thành… Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhường nhau khi vay vốn, có nghĩa là chị nào có hoàn cảnh khó khăn hơn thì được ưu tiên vay vốn trước. Nhờ vậy, tạo được sự đoàn kết, đồng thuận cao giữa các hội viên với nhau. Hội cũng tích cực trong việc vận động các hội viên sau khi thoát nghèo chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ khác làm theo. Chị Hoàng khẳng định, mô hình tổ tiết kiệm là một trong những mô hình giúp đỡ chị em vươn lên hoàn cảnh khó khăn mang lại hiệu quả nhất. Đặc biệt, tại những buổi sinh hoạt nhóm, tổ, chị em thường truyền đạt kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt cho nhau nghe, từ đó hướng dẫn những người chưa biết về cách thức tiếp cận các phương pháp khoa học - kỹ thuật.

Mỗi năm Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện và Hội Nông dân xã mở khoảng 17 lớp tập huấn cho chị em phụ nữ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, tổ chức nhiều buổi nói chuyện để tuyên truyền cho chị em hiểu rõ hơn về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Giao thông đường bộ… từ đó, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần trong từng khu dân cư. Nhờ phối hợp nhiều biện pháp khác nhau và sự tham gia tận tình của các đoàn thể, từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hòa Đông giảm đáng kể, từ 249 hộ (2009) xuống còn 215 hộ trong năm nay.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.