Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ nuôi heo rừng

09:19, 22/02/2011

Nhà nghèo, không nghề nghiệp, không có đất sản xuất, năm 2000, khi mới 20 tuổi, Giang Văn Hưng đã lập gia đình và bắt đầu tự lập kiếm sống bằng nghề đi mua trái cây ở các nhà vườn. Suốt 5 năm gắn bó với nghề này nhưng anh vẫn không thể có thu nhập ổn định vì giá cả trái cây thất thường, trái đến độ chín vẫn chưa tìm được đầu ra, hoặc có thì cũng bị ép giá, nhiều khi để lâu bị hỏng không bán được đành bỏ đi, lỗ thường xuyên. Anh Hưng bàn với vợ chuyển sang làm công nhân chăm sóc gia súc trong trang trại nuôi heo rừng kinh doanh của Công ty TNHH NNH tại thôn 4, xã Ea Đar. Với bản tính cần cù, chịu khó, chăm chỉ anh đã học hỏi kinh nghiệm từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm từ trang trại này.

Sau một năm tích lũy vốn và kinh nghiệm từ việc làm công cũng như tạo và chăm sóc cây cảnh trong những lúc nhàn rỗi, năm 2007, anh Hưng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua 500 m2 đất ra ở riêng và dự định đầu tư nuôi heo rừng tại nhà. Tuy nhiên, kinh phí mua heo giống khá cao mà gia đình Hưng lại không có vốn lớn để đầu tư bởi heo giống dưới 10 kg có giá 2,5 triệu đồng/con, còn heo giống trên 10 kg có giá 350.000 đồng/kg. Sau đó, anh đã được ông chủ trang trại nơi anh làm thuê đồng ý bán giống heo rừng cho anh với hình thức trả góp. Khi Công ty TNHH NNH có chủ trương mở rộng phát triển nuôi heo rừng ở trong hộ dân và hỗ trợ vốn bằng con giống, chuồng trại và thức ăn, Đoàn xã Ea Đar đã chủ động liên hệ với công ty và vận động thanh niên trong xã tham gia mô hình nuôi heo rừng theo hình thức này. Cuối năm 2009, Giang Văn Hưng là một trong số 2 hộ thanh niên của xã đã tham gia nuôi heo rừng để nhận vốn hỗ trợ 40 triệu đồng, trong đó 24 triệu đồng tiền con giống còn lại là đầu tư chuồng trại và thức ăn.

Anh Hưng bên mô hình nuôi heo rừng tại gia đình.
Anh Hưng bên mô hình nuôi heo rừng tại gia đình.

Từ khi nuôi heo rừng đến nay, anh Hưng đã xuất chuồng 25 con, cả con giống và thịt với thu nhập gần 60 triệu đồng. Có kinh phí, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại lên 300m2 và heo giống. Hiện tại, anh có 30 con heo rừng, trong đó 5 con heo mẹ và 1 con heo giống. Ngoài ra, anh còn có thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng từ việc tạo và chăm sóc cây cảnh trong những lúc rảnh rỗi. Có của ăn của để, anh còn mua 3.000m2 đất rẫy để trồng cà phê. Cuộc sống của gia đình anh đã ổn định và khấm khá hơn trước rất nhiều.
Theo anh Hưng, nuôi heo rừng là mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi đầu ra dễ tìm, giá cả cao (một kg thịt heo rừng ngày thường khoảng 150 nghìn đồng, những ngày giáp tết có khi lên đến 180 nghìn đồng/kg), việc chăm sóc cũng đơn giản, heo khỏe ít bị bệnh, chủ yếu ăn các loại rau cỏ nên có thể tiết kiệm kinh phí đầu tư gấp 4 lần so với nuôi heo nhà.

 

Kpă Y Khoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.