Multimedia Đọc Báo in

Giao thông nội đồng ở Krông Pak: Còn lắm khó khăn

09:19, 31/05/2011

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại một số vùng nông thôn như huyện Krông Pak, hệ thống giao thông nội đồng còn nhiều bất cập, do chưa được đầu tư đúng mức… gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đây. 

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện thì hệ thống giao thông nội đồng trên địa bàn có trên 10 cầu ván tạm nằm rải rác ở các xã Ea Kênh, Ea Hiu, Vụ Bổn, Tân Tiến. Được biết, những cầu này chủ yếu do nhân dân tự làm để phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản trên các cánh đồng. Có mặt tại xã Ea Hiu, lúc bà con nông dân đang cặm cụi gặt tay những thửa ruộng cuối cùng của vụ đông xuân 2010-2011 và chuẩn bị gieo sạ vụ mùa, chúng tôi được ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết, sở dĩ bà con phải gặt thủ công như vậy vì ảnh hưởng của cơn mưa đầu mùa, làm đường sá lầy lội, không đưa máy móc xuống ruộng được.

Những năm gần đây, nông dân huyện Krông Pak nói chung, xã Ea Hiu nói riêng đã áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí và sức lao động. Thế nhưng, do giao thông nội đồng chưa phát triển kịp nên đã hạn chế hoạt động sản xuất nông nghiệp nơi đây. Đơn cử như tại xã Ea Hiu, mùa mưa đến, bà con các buôn: Jắt A, Jắt B, Tà Đổq, Tà Rầu, Tà Cỡng lại bị ám ảnh về những cây cầu tạm. Ma Toen, buôn Jắt B chia sẻ, nhà mình chỉ có 3 sào lúa nước, nếu gặp thời tiết thuận lợi, công việc thu hoạch rất nhanh chóng. Ngược lại, nếu trời mưa không đưa được máy gặt xuống ruộng vì đường ra đồng lầy lội, xe công nông cũng không thể chở lúa về nhà được, thì phải huy động hết nhân lực trong gia đình tập trung vào việc gặt hái, gánh lúa về nhà. Chị Mó Giúp, buôn Tà Cỡng cũng than vãn, những hộ ở bên này mương chỉ gặp khó khăn lúc trời mưa, còn các hộ bên kia mương như gia đình chị thì dù mùa khô hay mùa mưa cũng phải vận chuyển lúa bằng vai… do không có cầu bắc qua mương. Bà con thôn Đức Tân, Tân Bình và Nghĩa Tân cũng đang mong mỏi có một cây cầu kiên cố và đập dâng nước, bởi đó là những công trình thiết yếu, nếu Nhà nước quan tâm đầu tư, sẽ phục vụ việc đi lại, vận chuyển lương thực cho cánh đồng có diện tích hàng trăm ha và gần 1.000 hộ dân các thôn trên.

Người dân ở xã Ea Hiu mong có một cây cầu kiên cố bắc qua kênh.
Người dân ở xã Ea Hiu mong có một cây cầu kiên cố bắc qua kênh.

Trên địa bàn xã Tân Tiến, tình trạng cầu ván, cầu tạm cũng đã làm hạn chế nhiều đến quá trình sản xuất, vận chuyển hàng hóa của bà con nông dân. Hằng năm, người dân thôn 3 phải bỏ ra hàng chục ngày công và một số tiền không nhỏ để làm mới hoặc sửa chữa cầu tạm. Chị Trần Thị Kim Oanh, người dân thôn 3 cho hay: cứ tầm tháng 8, tháng 9 là 3 cây cầu tạm trên địa bàn thôn bị nước lũ cuốn trôi, hoa màu làm ra không thể nào vận chuyển đi nơi khác được, thế là bao nhiêu công sức bỏ ra để rồi kết quả thu lại chẳng được là bao! Không chỉ thế, trẻ đi học cũng hết sức vất vả, trẻ lớn còn lội qua mương đến trường được, chứ còn mấy em nhỏ thì cha mẹ phải cõng. Bà Phan Thị Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến mong ước, nếu có đường nội đồng thuận lợi thì sản xuất nông nghiệp của bà con ở đây sẽ giảm đi nhiều thiệt hại, sản phẩm làm ra cũng dễ tiêu thụ hơn.

Anh Nguyễn Sinh Chi, Trưởng Phòng Kinh tế-hạ tầng huyện cho biết: để có hệ thống giao thông nội đồng bền vững, đòi hỏi chính quyền địa phương phải gắn việc xây dựng giao thông nội đồng song song với chương trình kiên cố hóa kênh mương. Giải pháp này tuy tốn kém nhưng khi hoàn thiện sẽ phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của bà con.

 

Hoàng Tuyết

Ý kiến bạn đọc