BIDV Dak Lak - “địa chỉ đỏ” trong hệ thống ngân hàng
Tiền thân là một Ngân hàng Kiến thiết, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, sau hơn 30 năm phấn đấu không ngừng, đến nay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Dak Lak (BIDV Dak Lak) đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của một ngân hàng thương mại lớn.
“Điểm tựa” tin cậy khi cần cung ứng vốn
Năm 2007 (năm thực hiện tách Chi nhánh Ea Kar và Krông Buk ra khỏi Chi nhánh Dak Lak để thành lập chi nhánh cấp I), dư nợ của chi nhánh khoảng 1.454 tỷ đồng; năm 2008, được nâng lên 2.417 tỷ đồng; năm 2009: 2.490 tỷ đồng; năm 2010: gần 2.818 tỷ đồng; năm 2011: 3.195 tỷ đồng và đến hết quý I-2012, đạt trên 3.300 tỷ đồng. Những con số ấy đã phản ánh sự đồng hành của BIDV Dak Lak đối với những khách hàng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh, vài năm trở lại đây không ít tổ chức tín dụng gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay.
Cải cách các thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch - nhiệm vụ luôn được BIDV Dak Lak coi trọng. |
Trong suốt quá trình hoạt động, BIDV Dak Lak được đánh giá là đơn vị tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục vay vốn; bám sát định hướng phát triển kinh tế của địa phương để cấp vốn, như cho vay xây dựng các công trình thủy điện, tài trợ thu mua và xuất khẩu cà phê, cao su, tín dụng bán lẻ… Đặc biệt, việc cho vay đối với khách hàng ngoài quốc doanh đã được chú trọng đáng kể. Tính đến cuối năm 2011, tỷ trọng cho vay khu vực này đã chiếm khoảng 90% và tiếp tục đang có xu hướng gia tăng. Điểm nổi bật nữa là từ 2008 đến nay, BIDV Dak Lak luôn là ngân hàng đồng hành, chủ động chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế bằng các giải pháp tài chính hữu hiệu. Đơn cử như đối với Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, ngoài số vốn 220 tỷ đồng mà BIDV Dak Lak cho vay trung dài hạn để công ty đầu tư xây dựng nhà máy, mỗi năm công ty còn được vay hàng trăm tỷ đồng bổ sung vốn lưu động - số vốn này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp công ty nắm bắt cơ hội làm ăn. Từ nguồn trợ lực quan trọng này, Thép Đông Nam Á đã có chỗ đứng nhất định trong ngành sản xuất thép của Việt Nam. Đã trở thành một trong những khách hàng truyền thống của BIDV Dak Lak, từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 luôn được BIDV Dak Lak đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp, ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Trung bình mỗi năm công ty vay của BIDV Dak Lak từ 500-1.000 tỷ đồng. Số vốn này đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc bổ sung vốn lưu động để thu mua, chế biến và xuất khẩu các loại nông sản là thế mạnh của tỉnh, như: cà phê, hồ tiêu…
Nỗ lực “hút vốn”
Tính đến nay, BIDV Dak Lak đã có cơ bản đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng, như: thanh toán, bảo lãnh, giao dịch cà phê tương lai, kinh doanh ngoại tệ, hoán đổi tiền tệ chéo CCS (giao dịch hoán đổi lãi suất), tài trợ thương mại, thẻ… Lợi nhuận thu được từ hoạt động này cũng tăng trưởng tốt qua các năm: Năm 2007 đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng gần 5 tỷ đồng so với năm 2006; năm 2008: 19 tỷ đồng; năm 2009: 28 tỷ đồng; năm 2010 và 2011 đều đạt hơn 25 tỷ đồng.
Để có vốn phục vụ khách hàng, bên cạnh việc tập trung tiết giảm chi phí, chi nhánh còn thường xuyên chú trọng đến công tác huy động vốn thông qua các hình thức như: thiết kế các sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của khách hàng, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… Năm 2007, huy động vốn đạt 572 tỷ đồng, 2008: 702 tỷ đồng, năm 2009: 1.021 tỷ đồng, năm 2010: 1.186 tỷ đồng, năm 2011: 1.381 tỷ đồng và đến hết quý I-2012, đạt xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Điểm đặc biệt trong công tác huy động vốn là kết quả huy động từ khu vực dân cư tăng trưởng mạnh qua các năm: Năm 2008 tăng hơn 10% so với năm 2007, năm 2009 tăng hơn 53%, năm 2010 tăng 37% và năm 2011 tăng xấp xỉ 46%; cơ cấu huy động vốn khu vực dân cư cũng tăng từ 47% trong tổng nguồn vốn huy động (năm 2008) lên 74% (năm 2011).
Những dự định mới
Ông Trịnh Đình Mạnh, Giám đốc BIDV Dak Lak cho biết: với phương châm khách hàng là nền tảng quyết định thành công, trong thời gian tới, đối với huy động vốn, đơn vị tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm tiền gửi cho phù hợp với điều kiện thực tế của khách hàng tại địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc khách hàng. Chi nhánh đặt ra mục tiêu tăng trưởng huy động vốn phải đạt từ 20%-25%/năm. Đối với công tác cho vay, tiếp tục cải cách thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng; ưu tiên vốn cho các lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh cho vay dân cư, vay tiêu dùng, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, chi nhánh cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động thông qua hình thức mở mới các phòng giao dịch ở khu vực nông thôn. Dự kiến, trong 3 năm tới, chi nhánh sẽ mở thêm từ 3 đến 4 phòng giao dịch tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện trong tỉnh. Riêng về hoạt động dịch vụ, BIDV Dak Lak sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả thế mạnh về công nghệ thông tin, cung cấp khép kín các sản phẩm - dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các hoạt động kinh doanh ngoại tệ…
Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 39 đầu mối các tổ chức tín dụng với gần 110 điểm giao dịch, trong đó, thị phần tín dụng của BIDV Dak Lak vẫn tăng mạnh, từ hơn 11% (năm 2007) lên 13% (năm 2011). Ngoài việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cung ứng vốn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, BIDV Dak Lak cũng rất coi trọng công tác xã hội từ thiện. Từ năm 2007 đến nay, tổng số tiền dành cho công tác này của BIDV Dak Lak khoảng 3 tỷ đồng.
Đ.T
Ý kiến bạn đọc