Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị thế hàng Việt tại các chợ truyền thống

08:46, 20/04/2012

Với mẫu mã phong phú, giá thành rẻ, chất lượng ngày một nâng cao, hàng Việt đang dần chiếm ưu thế và tạo niềm tin với người tiêu dùng (NTD). Song, để hàng Việt “sống khỏe” tại các chợ truyền thống rất cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và tiểu thương bán lẻ.

Người Việt ngày càng chuộng hàng Việt

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng phòng quản lý thương mại, Sở Công thương Dak Lak thì sau hai năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hàng Việt đang chiếm gần 90%. Còn theo nhiều tiểu thương tại các chợ: Tân An, Trung tâm thương mại Buôn Ma Thuột, Ea Tam, chợ tạm Buôn Ma Thuột thì khách hàng đi chợ phần lớn là người có thu nhập thấp, nên hàng Việt giá rẻ thường được họ lựa chọn.

Đặc biệt, thời gian gần đây, NTD trên địa bàn có xu hướng quay lưng lại với hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc (rau, củ, quả hóa mỹ phẩm) để lựa chọn hàng nội. Dạo một vòng quanh Trung tâm thương mại Buôn Ma Thuột (dù không phải là mùa cao điểm mua sắm) nhưng trên các quầy, kệ trưng bày không thiếu những sản phẩm nội địa như hàng may mặc của Thái Hòa, Vĩnh Tiến, bánh kẹo Hà Nội, Bibica, Hải Hà… Riêng thực phẩm tươi sống, rau, củ phần lớn được sản xuất tại địa phương hoặc được nhập về từ các tỉnh khác. Bà Cư - tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, hàng hóa của bà bán ra hầu hết là hàng Việt, các loại rau phần lớn lấy từ các chủ vườn ở địa phương, chỉ có một số loại củ, súp lơ thì nhập từ Đà Lạt hoặc các tỉnh miền Tây. Theo bà Cư, NTD bây giờ cũng khá thông thái, khi mua bất cứ loại rau, củ, quả nào cũng hỏi có phải hàng Trung Quốc không, chỉ khi nào chắc chắn là hàng Việt thì người ta mới chọn, thậm chí chấp nhận mua loại củ, quả nhỏ, không bắt mắt nhưng an toàn cho sức khỏe.  Chị Hiền, chủ sạp quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột thì nhận định, hàng Việt bây giờ chất lượng khá tốt, giá thành vừa phải, mẫu mã thay đổi thường xuyên nên cũng thu hút khách hàng chọn mua. Hai năm nay, cửa hàng chị bán ra đa phần là hàng sản xuất trong nước, chủ yếu nhập từ TP. Hồ Chí Minh về, có giá khá mềm từ vài chục đến trên 100.000 đồng/ sản phẩm… Hóa mỹ phẩm nhập ngoại một thời từng chiếm lĩnh thị trường tại các chợ, nay cũng khiến NTD thận trọng hơn, họ tìm đến với các loại dầu gội, sữa tắm, kem, son phấn… sản xuất trong nước. Chị Thanh, chủ quầy mỹ phẩm ở chợ Tân An cho hay, hóa mỹ phẩm trong nước có nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng nên khiến NTD yên tâm hơn về chất lượng. Bởi thế, gần đây, lượng mỹ phẩm ngoại của quầy hàng chị nhập về giảm hẳn từ 20 đến 30% so với trước đây.

Vắng bóng hàng hiệu trong chợ truyền thống

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, mặc dù hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm - thương mại mọc lên ngày một nhiều, nhưng các chợ truyền thống vẫn không hề giảm sức hút đối với phần đông NTD. Mua hàng tại chợ đã trở thành thói quen ưa thích của nhiều, bởi tâm lý được mặc cả món hàng, hoặc nếu không hài lòng thì có thể đổi lại món khác. Trong số các mặt hàng ở chợ, hàng Việt đang có những bước tiến dài, dần dần tạo được niềm tin và khẳng định vị thế của mình đối với NTD. Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng áp đảo trên thị trường bán lẻ, nhưng tại các chợ truyền thống hiện vẫn thiếu những thương hiệu có tiếng trong nước như: hàng may mặc Việt Tiến, An Phước, bánh kẹo Kinh Đô…

Hàng ngoại  đã  vắng bóng dần  trên  các quầy, sạp  thực phẩm, bánh kẹo.
Hàng ngoại đã vắng bóng dần trên các quầy, sạp thực phẩm, bánh kẹo.

 Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đúng mức đến thị trường truyền thống là các chợ. Thực tế, muốn mua một chiếc áo thương hiệu Việt Tiến, phải đỏ mắt tìm cả giờ đồng hồ trong số hàng chục quầy, sạp ở đây, may ra mới có được một vài người bán. Chủ một sạp quần áo tại chợ tạm Buôn Ma Thuột bày tỏ, bản thân cũng muốn bán sản phẩm trong nước cho bà con, nhưng thú thật những mặt hàng có thương hiệu thường rất khó bán, vì tâm lý “đã là hàng ở chợ” nên giá phải rẻ, mà hàng có thương hiệu thì giá thường cao, chiết khấu thấp nên có bán được thì lời lãi cũng chẳng được là bao… Chị Thu, tiểu thương tại Trung tâm thương mại TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, giữa DN và tiểu thương ở chợ chưa có sự liên kết chặt chẽ thành ra một số hàng Việt có thương hiệu lại khó “sống khỏe” ở các chợ truyền thống. Các DN Việt rất hiếm khi có chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, trong khi tiểu thương bán lẻ lại không tiếp cận được với nhà sản xuất nên hàng hóa đến tay tiểu thương phải qua vài ba khâu trung gian, giá thành dội lên khó bán được ở chợ.

Rõ ràng, hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng là điều mà nhiều NTD đang hướng tới. Trong khi người dân đang dần bỏ được tâm lý sính ngoại thì thiết nghĩ, bên cạnh việc cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, các DN trong nước cũng nên chú trọng đẩy mạnh việc liên kết với tiểu thương tại các chợ truyền thống. Bởi họ cũng là cầu nối quan trọng giữa DN và NTD. Bên cạnh đó, NTD cũng cần được thông tin kịp thời về sản phẩm hàng Việt, vì trên thực tế có không ít người Việt “buộc” phải mua hàng ngoại do không biết có sản phẩm hàng Việt cùng loại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc