Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình canh tác cà phê vối theo hướng bền vững

10:49, 25/04/2012

Nhằm giúp bà con sản xuất bền vững và hiệu quả hơn đối với cây cà phê- Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã tiến hành mô hình trình diễn canh tác cà phê vối theo hướng bền vững tại 4 huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar và Krông Pak. Sau 2 năm triển khai, mô hình đã cho thấy nhiều kết quả triển vọng.

Tại vườn cà phê 1 ha có tuổi đời trên 25 năm của mình, ông Đinh Thanh Thiên ở thôn Phước Lập 1 xã Ea Kuang huyện Krông Pak cho biết: Vườn cà phê của ông được nhà khoa học chọn ngẫu nhiên 5 sào để thực hiện chăm sóc theo hướng dẫn, 5 sào còn lại có cùng điều kiện sinh trưởng phát triển do ông tự chăm sóc đối chứng. Qua 2 năm thực hiện, ông Thiên đã nhận thấy có sự khác biệt về đầu tư, chăm sóc cũng như hiệu quả sản xuất ngay trên vườn cà phê của mình. Đó là cà phê phát triển ổn định hơn, ít sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ đậu quả cao, quả to, năng suất ổn định mỗi năm khoảng 3,5 tấn/ha. Trong khi phần diện tích do ông tự chăm sóc 2 năm nay có năm được, năm mất nhưng năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 3,5 tấn/ha, mức đầu tư cao hơn gần 3 triệu đồng/ha.

Mô hình canh tác cà phê vối theo hướng bền vững được thực hiện tại 4 vườn cà phê vối ở 4 huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Ea Kar và Krông Pak ở 4 nền đất khác nhau. Ở 4 vườn cà phê này, các nhà khoa học tiến hành hướng dẫn nông dân thực hiện các quy trình chăm sóc trên 50% diện tích, 50% còn lại do nông dân tự chăm sóc đối chứng.

Trên phần diện tích triển khai mô hình, nhà khoa học đã hướng dẫn nông dân thực hiện canh tác theo các tiến bộ khoa học đã được tổng hợp như: Rong tỉa cây che bóng; bón phân theo độ phì dinh dưỡng đất và năng suất của cây, tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá; ghép cải tạo thay thế những cây gốc xấu bằng những dòng vô tính chọn lọc… Hiệu quả trên cả 4 vườn cà phê đều cho thấy sau 2 năm, tuy chi phí đầu tư theo mô hình có thấp hơn so với đối chứng nhưng độ phì nhiêu của đất ở phần diện tích thực hiện mô hình được nâng lên, đất tơi xốp hơn, tỷ lệ sâu bệnh giảm đáng kể, tỷ lệ đậu quả tăng khoảng 4%, thu nhập tăng thêm từ  2,6 đến 3,7 triệu đồng/ha.

Qua kết quả thực tế từ mô hình và những phân tích của nhà khoa học, nhiều nông dân đã bắt đầu thay đổi thói quen trong sản xuất, thực hiện các công đoạn chăm sóc theo hướng bền vững theo mô hình. Cùng với nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ sản xuất trong nông dân, mô hình canh tác cà phê theo hướng bền vững của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên hứa hẹn mang đến nhiều thay đổi trong sản xuất của bà con nông dân.

Minh Trang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.