Multimedia Đọc Báo in

Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp: Vươn lên nhờ “Vốn khởi nghiệp”

09:20, 08/05/2012

Ấp ủ ý định xây dựng mô hình nuôi con dúi và trồng mía nhưng do thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng chuồng trại, mua con dúi giống và cây mía giống nên anh Đỗ Văn Huyện (thôn 2, xã Cư Prao - M’Drak) gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự định của mình. Anh đã tìm cách để xoay sở nguồn vốn nhưng ở nông thôn việc vay một khoản tiền lớn rất khó. Được biết về chương trình “Vốn khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, anh đã tìm đến Huyện Đoàn M’Drak xin hỗ trợ, giúp đỡ làm đề án vay “Vốn khởi nghiệp”.

Anh  Đoàn  Thế Quyền  bên  mô  hình  nuôi  heo nái.
Anh Đoàn Thế Quyền bên mô hình nuôi heo nái.

Năm 2011, anh Huyện được vay 20 triệu đồng từ nguồn Vốn khởi nghiệp và đã dùng toàn bộ số vốn đã vay được đầu tư trang bị cơ sở vật chất, xây dựng chuồng trại nuôi dúi sinh sản và trồng mía. Hiện nay, anh đã có hơn 20 con dúi sinh sản và đang trồng thêm 400 cây chuối với diện tích gần 5 sào, ước tính tổng thu nhập của gia đình khoảng 60 triệu đồng/năm.

Sau khi học xong nghề thú y ở Trường cao đẳng Nông lâm Bắc Giang, anh Đoàn Thế Quyền trở về thôn 18, xã Ea Riêng (M’Drak) với ý định làm mô hình nuôi heo nái và mở một cửa hàng dịch vụ thú y góp nhưng vì thiếu vốn nên anh chưa thực hiện được. Năm 2011, anh được vay 20 triệu đồng từ “Vốn khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, cộng thêm số tiền vay mượn thêm, anh đã thực hiện mong muốn của mình. Hiện của hàng thú y của anh Quyền đang phát triển khá ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người dân tại địa phương, anh còn là thú y cơ sở của xã Ea Riêng.

Anh Sơn Lâm ở phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) trước đây từng nghiện ma túy và có tiền án về tội  cướp tài sản.  Năm 2010, sau khi được mãn hạn tù, Lâm quyết tâm làm lại cuộc đời. Lúc đó, anh chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền với mong muốn mở xưởng làm lẵng hoa cho riêng mình, nhưng chẳng ai dám tin để cho anh vay tiền. Không nản chí, Lâm tiếp tục tìm đến nhiều ngân hàng để làm thủ tục vay mượn tiền nhưng vẫn không được. Trong một lần tình cờ khi làm các thủ tục xin vay vốn tại UBND phường Tân Tiến, Lâm trao đổi, bày tỏ quyết tâm làm lại cuộc đời với các đoàn viên thanh niên ở Đoàn phường. Các đoàn viên thanh niên đã đứng ra bảo lãnh cho Lâm vay “Vốn khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, với số vốn được vay là 30 triệu đồng. Hiện nay xưởng sản xuất lẵng hoa của anh Sơn Lâm đang phát triển tương đối ổn định, tạo công ăn việc làm cho 6 bạn trẻ từng lạc lối như anh. Sơn Lâm còn trở thành thành viên trong Đội thanh niên tình nguyện phường Tân Tiến thường xuyên tìm đến những đối tượng nghiện ma túy giúp họ cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Có thể nói, nguồn “Vốn khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã và đang góp phần quan trọng giúp đỡ nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều người không chỉ tạo được chỗ đứng cho bản thân, giải quyết nhu cầu việc làm cho các đoàn viên thanh niên khác mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương. Qua đó đã củng cố được nhiều cơ sở Đoàn - Hội từ yếu kém trở thành vững mạnh, thu hút tập hợp được đông đảo thanh niên vào Đoàn, tiếp tục khẳng định vai trò xung kích của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực.

Công Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.