Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế - xã hội Tây Nguyên trên đường phát triển

09:41, 27/07/2012

Tây Nguyên đang có sức trỗi dậy mạnh mẽ. một diện mạo Tây Nguyên mới được xây dựng trên nền tảng của khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị.

Thành phố Plêiku - trung tâm kinh tế - xã hội của Gia Lai. Ảnh: T.L
Thành phố Plêiku - trung tâm kinh tế - xã hội của Gia Lai.  Ảnh: T.L

Hơn 10 năm qua, Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Trung ương Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước thông qua nhiều nguồn lực cũng như cơ chế, chính sách đặc thù. Có thể kể đến một nguồn lực khá lớn từ chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với việc tổ chức lại sản xuất. Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo là một trong những chủ trương đột phá có ý nghĩa về kinh tế - xã hội sâu sắc. Theo đó chương trình đã triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay và đã giải quyết được 639 ha đất ở cho 15.470 hộ, 29.200 ha đất sản xuất cho 56 nghìn hộ.

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nền tảng góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội  vùng Tây Nguyên.
Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nền tảng góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Vùng Tây Nguyên liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người so với cả nước được thu hẹp khoảng cách khá nhanh, từ 47% mức bình quân của cả nước năm 2001 lên 67% mức bình quân của cả nước năm 2010. Trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp có chuyển biến vượt bậc theo hướng mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh cây công nghiệp dài ngày, có nhu cầu thị trường cao. Sản xuất công nghiệp thay đổi lớn cả về quy mô và chất lượng sản xuất, đã xuất hiện một số ngành công nghiệp mới như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 4,3 lần năm 2001. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển với hệ thống đường sá  được đầu tư nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp.

Công tác giảm nghèo đã được cả hệ thống chính trị tập trung chăm lo, triển khai liên tục bằng nhiều biện pháp và đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2001-2005 toàn vùng xóa được 59.643 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,83% xuống 8,67%; giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,85% xuống còn 10,23%. Chất lượng giảm nghèo được nâng lên theo hướng bền vững hơn từ chỗ giải quyết vấn đề ăn mặc, cứu đói, cứu rét là chủ yếu đã tiến tới giải quyết vấn đề đất đai, việc làm, từng bước cải thiện hạ tầng, nhà ở.  Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức về giáo dục có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh luôn duy trì ở mức cao; đã mở rộng mạng lưới trường lớp đến khắp các buôn làng với phương châm có trường lớp  là có lớp học. Cả 5 tỉnh đều có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số với khả năng cao nhất. Đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ sở vật chất ngành Y tế đã tăng gấp 3 lần. 100% số xã có trạm y tế. Tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng, Dak Lak có tỷ lệ bác sĩ tuyến cơ sở cao nhất cả nước. Cụ thể Kon Tum 83%, Dak Lak 71%, Lâm Đồng 78% trong khi cả nước là 65%.

Xác định việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên bền vững, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi di sản văn hóa cồng chiêng, phát triển nghề thủ công và khôi phục các lễ hội văn hóa.

Thời kỳ 2001-2010 tổng chi ngân sách Nhà nước cho Tây Nguyên là 128 nghìn tỷ đồng; huy động đầu tư toàn xã hội 170 nghìn tỷ đồng. Đã xây dựng tu bổ 1.560 công trình hồ chứa, đập dâng và hệ thống kênh mương nâng năng lực tưới lên gấp ba lần so với năm 2001, xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào DTTS. Trong vùng DTTS 81% số buôn, làng có điện lưới quốc gia; 86% số hộ được dùng điện; 57% hộ được dùng nước sạch; 82% số buôn làng đã có nhà trẻ, lớp mẫu giáo.

Thuận Thành

 


Ý kiến bạn đọc