Multimedia Đọc Báo in

Một thương binh làm kinh tế giỏi

16:54, 22/07/2012

Năm 1967, khi chưa tròn 14 tuổi, ông Cao Hùng Vinh đã tình nguyện tham gia biệt động thành Bình Định, bị địch bắt tù đày. Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Vinh công tác tại Công an TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ông nghỉ công tác, trở về với cuộc sống đời thường, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, lúc bấy giờ gia đình ông gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Năm 1988, ông Vinh quyết định đưa vợ và 3 con nhỏ đến lập nghiệp tại thôn 13, thị trấn Ea Knốp (Ea Kar).

Ban đầu, chỉ với 2 bàn tay trắng, vợ chồng ông Vinh đã phải xoay xở làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày. Với ý chí và nghị lực của anh Bộ đội cụ Hồ không ngại gian khổ, ông đã động viên vợ con tích cực lao động sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích để trồng hoa màu lấy ngắn nuôi dài. Khi cuộc sống dần ổn định, tích góp được ít vốn, năm 1992, ông đầu tư trồng mía và xây dựng lò ép thủ công, bán mật cho một số nhà máy đường trong và ngoài tỉnh. Sau khi Nhà máy đường 333 đi vào hoạt động, ông là người tiên phong dẹp bỏ máy ép thủ công, chuyển hết diện tích trồng màu sang trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Đến những năm 1999, 2000, giá thu mua nguyên liệu đột nhiên giảm mạnh, mía của gia đình ông và nhiều bà con khác đến ngày thu hoạch nhưng không bán được, phải chịu thua lỗ nặng nề, mất hết vốn liếng. Không chịu khuất phục trước khó khăn, ông Vinh tự  tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tham quan thực tế, rồi mạnh dạn vay vốn đầu tư chuyển dần diện tích trồng mía sang trồng hồ tiêu, cây ca cao, kết hợp với đào ao nuôi cá nước ngọt. Với bản tính cần cù chịu khó, qua quá trình phấn đấu lao động sản xuất, đất không phụ công người, đến nay gia đình ông Vinh đã có một trang trại khá qui mô, với 6 ha đất canh tác, trong đó có 2 ha hồ tiêu kinh doanh, mỗi năm thu hoạch được gần 4 tấn tiêu hạt, 2 ha trồng màu và 2 ha ao hồ mỗi năm thu hoạch được hàng chục tấn ngô, đậu và gần 10 tấn cá nước ngọt, trừ chi phí mỗi năm mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 300 triệu đồng.

Cuộc sống ổn định, gia đình ông Vinh có của ăn của để, có điều kiện nuôi ba người con ăn học trưởng thành.

Xuân Tạo


Ý kiến bạn đọc