Phong trào xây dựng giao thông nông thôn: Kết quả bước đầu từ nguồn lực sức dân
Dak Lak là một tỉnh có diện tích đất tự nhiên khá lớn, địa bàn rộng, thế nhưng trong thời gian qua, làm đường giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới được người dân địa phương hưởng ứng tích cực và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Những ngày này tại xã Ea Ô (Ea Kar) những công nhân đang gấp rút hoàn thành các con đường liên thôn trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Minh Chuyền, chủ tịch xã Ea Ô cho biết, hiện xã cũng cơ bản hoàn thành công trình đường giao thông và trong năm 2012 sẽ đưa vào sử dụng. Tại xã Ea Tiêu (Cư Kuin), nhiều thôn, buôn trong xã đã huy động, đóng góp vốn làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông hóa, tiêu biểu như các thôn 3, 6, 7, 9… đã hoàn thành tới hơn 11,3km đường bê tông hóa nội thôn, với tổng kinh phí là 2,126 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tự tháo dỡ hàng rào, phá dỡ tài sản trên đất mà không đòi hỏi đền bù. Tại xã điểm Ea Bar (Buôn Đôn) đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 2km đường giao thông liên thôn với kinh phí 3,78 tỷ đồng…
Người dân xã Ea Ô (Ea Kar) đã đóng góp công sức, tiền của để bê tông hóa con đường liên thôn. |
Tinh thần trách nhiệm là nét nổi bật trong xây dựng đường giao thông. Như tại xã Ea Ô (Ea Kar), đã có lúc vốn đầu tư xây dựng không đủ, chủ tịch xã đã cầm sổ đỏ của gia đình mình để vay vốn ứng trước kịp thi công đường giao thông nông thôn cho người dân trên địa bàn. Hay như gia đình ông Phan Đình Liêm, thôn 2, xã Ea Kpam (Cư M’gar) đã hiến gần 200m2 đất trồng cà phê để mở đường giao thông nông thôn, lưu thông tuyến đường cụt trong liên gia. Ông Liêm cho biết, thấy nhiều hộ dân sống dưới đồi phải đi lại đường vòng lầy lội xa với đường liên huyện, nên ông mới bàn với vợ quyết định làm một con đường nhỏ gọi là góp sức xây dựng nông thôn mới và để bà con tiện đường đi lại. Thấy người dân trong thôn thường xuyên phải đi đường vòng rất khó khăn, tới mùa vụ lại thường xuyên bị tư thương vào tận nơi ép giá, nên tuy gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng chị Nguyễn Thị Hương, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 7, xã Ea Mnang (Cư M’gar) đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất để làm địa điểm xây dựng hội trường sinh hoạt tập thể và 720m2 đất để góp phần mở rộng đường vào hội trường, giúp người dân trong thôn có một con đường bằng phẳng. Chị cho biết, thực ra việc làm của mình cũng không có gì to tát, chỉ là muốn đóng góp một ít công sức để người dân trong thôn có một địa điểm sinh hoạt chung và không để tư thương ép giá nông sản…
Theo ông Dương Tín Đức, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết, Dak Lak là một địa bàn rộng, khoảng cách giữa các thôn, buôn, xã trên toàn tỉnh còn cách xa nhau, mà nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vốn cho các mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất, nên trong thời gian qua, thành quả đạt được cho mục tiêu đường giao thông nông thôn có được là nhờ một phần không nhỏ vào người dân trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, tài sản… để xây dựng và mở rộng các trục đường giao thông thôn xóm, đường giao thông nội đồng. Chỉ riêng tháng 11-2012, người dân trong tỉnh đã huy động sức dân làm mới được 37,4km đường bê tông, sửa chữa trên 30km đường giao thông thôn xóm, với tổng số tiền đóng góp của người dân là trên 7 tỷ đồng cùng hơn 3.500 ngày công lao động. Tính từ đầu năm đến nay, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp hơn 43 tỷ đồng để làm mới và sửa chữa đường giao thông, hiến trên 60.000m2 đất, hơn 13.000 ngày công lao động… Một số địa phương tiêu biểu đã làm tốt công tác tuyên truyền để huy động sức dân như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, các huyện: Krông Pak, Cư M’gar, Ea Kar, Cư Kuin, Krông Bông…
Gia Hưng
Ý kiến bạn đọc