Thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa: Đừng làm khách hàng “chán” thẻ!
Trước các mức phí dự kiến sẽ thu đối với dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lấy ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí này là cần thiết nhưng mức thu, thời điểm thu cần phải cân nhắc, tính toán cho hợp tình, hợp lý…
Theo Dự thảo thông tư quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, các mức phí đề xuất thu cụ thể như sau: phí phát hành thẻ, từ 0 đến 100.000đồng/thẻ; phí thường niên, từ 0 đến 60.000đồng/thẻ/năm; phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) tại ATM, không thu đối với giao dịch nội mạng, riêng giao dịch ngoại mạng thu từ 0 đến 500đồng/giao dịch; phí in sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tại ATM, giao dịch nội mạng thu từ 100 đến 500 đồng/giao dịch, giao dịch ngoại mạng thu từ 300 đến 800 đồng/giao dịch; phí chuyển khoản tại ATM, từ 0 đến 15.000đồng/giao dịch. Riêng phí rút tiền mặt tại ATM, đối với giao dịch ngoại mạng thu từ 0 đến 3.000 đồng/giao dịch; đối với giao dịch nội mạng được chia thành 3 giai đoạn: từ 1-3-2013 đến 31-12-2013, thu từ 0 đến 1.000đồng/giao dịch, từ 1-1-2014 đến 31-12-2014 thu từ 0 đến 2.000đồng/giao dịch và từ 1-1-2015 trở đi thu từ 0 đến 3.000đồng/giao dịch.
Khách hàng làm thủ tục sử dụng thẻ tại Vietinbank Dak Lak (ảnh minh họa). |
Theo giải trình của NHNN: khung phí đề xuất thu được xây dựng trên cơ sở phân tích số liệu về tình hình thu, chi trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẻ của các NH, căn cứ vào các loại phí, mức phí hiện đang được các NH phát hành thẻ áp dụng đối với chủ thẻ và sau khi cân nhắc, so sánh với các mức phí khác phát sinh thường xuyên trong đời sống xã hội (phí gửi xe, cước phí sử dụng điện thoại,..), xét sự phù hợp với đại đa số khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ nội địa. Với quy định khung phí này, các NH phát hành thẻ được quyền chủ động áp dụng mức phí phù hợp với chiến lược và đặc thù kinh doanh của đơn vị mình nhưng phải nằm trong khung phí đã quy định. Cũng theo NHNN, mục tiêu hướng đến của việc xây dựng thông tư này là nhằm công khai, minh bạch việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa; bảo đảm việc thu phí của NH đối với khách hàng theo đúng lộ trình và trong khung phí quy định của NHNN. Điều tiết việc thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và NH, bảo đảm mức phí từng bước phù hợp với khách hàng và giúp NH phần nào chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cung ứng dịch vụ thẻ, có động lực đế tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam. Hướng đến việc ổn định việc cung ứng và sử dụng thẻ ghi nợ nội địa, khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, khuyến khích thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ để từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước mức phí đề xuất thu cũng như giải trình của đơn vị soạn dự thảo, hầu hết khách hàng sử dụng thẻ đều tỏ thái độ không hài lòng. Theo nhiều khách hàng: nếu bảo rằng thu phí nhằm hài hòa lợi ích giữa khách hàng và NH là chưa thỏa đáng. Trong thực tế, việc sử dụng thẻ của khách hàng cũng đem lại cho NH không ít lợi ích. Nhiều khách hàng được chi trả lương, thu nhập qua tài khoản NH cho biết thông thường họ chỉ rút tiền khi có nhu cầu chi tiêu. Điều này cho thấy không phải 100% khách hàng đều rút hết tiền trong tài khoản. Như vậy cũng đồng nghĩa, NH được sử dụng một số vốn không nhỏ của khách hàng nhưng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn rất thấp. Theo số liệu thống kê của Chi nhánh NHNN Dak Lak, tính đến tháng 6-2012, số lượng thẻ ATM được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phát hành và đang được khách hàng sử dụng đạt con số trên 677 nghìn thẻ. Giả sử, mỗi tài khoản thẻ luôn có số dư là 100.000 đồng, tính ra số tiền mà các NH được sử dụng cũng xấp xỉ 68 tỷ đồng. Nhiều khách hàng cho biết thêm, hiện có khá nhiều chủ thẻ là những người nhận lương qua tài khoản NH còn sử dụng thêm các dịch vụ gia tăng khác như trả tiền điện, nước, internet… nên số tiền duy trì trong tài khoản thẻ là tương đối lớn. Tương tự, việc NHNN giải trình rằng “thu phí dịch vụ thẻ nhằm mục tiêu hướng đến việc ổn định việc cung ứng và sử dụng thẻ ghi nợ nội địa, khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, khuyến khích thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ để từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt” cũng bị khách hàng phản ứng khá nhiều. Công bằng mà nói, trong những năm qua, các NH đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư lắp đặt ATM và POS (điểm chấp nhận thẻ). Trên địa bàn Dak Lak, tính đến tháng 6-2012 đã có khoảng 204 ATM và 310 POS. Tuy nhiên, số ATM và POS này phân bố không đồng đều, chủ yếu được đặt ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều khách hàng cho biết: để thuận lợi cho việc chi tiêu, họ thường chọn cách rút tiền mặt “dằn túi” mới yên tâm! Điều này xem ra khá phù hợp với những gì diễn ra trên thực tế, đó là phần lớn trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn được đặt khá nhiều ATM của các NH khác nhau, dù tại đây đã có hệ thống POS. Ở một khía cạnh khác, phí dịch vụ được tính theo mỗi lần giao dịch nhưng NH lại quy định hạn mức mức rút tiền mặt trên một lần giao dịch (tối đa 3 hoặc 5 triệu/lần rút, tùy từng NH) là chưa sòng phẳng với khách hàng. Nếu hạn mức này vẫn được duy trì, khách hàng lại thêm một lần chịu thiệt vì phải rút nhiều lần mới đủ hoặc hết số tiền của mình.
Theo nhiều khách hàng, việc NH tiến hành thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa là đương nhiên, không có gì sai. Tuy nhiên, mức thu, thời điểm thu và chất lượng dịch vụ là những điều cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu tình, đạt lý, tránh việc khách hàng quay lưng lại với dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Điều này sẽ gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã đặt ra.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc