Phong trào nông dân Cư M’gar giúp nhau làm giàu: Vai trò bà đỡ của cấp hội
Được mệnh danh là “bà đỡ” của người nông dân huyện Cư M’gar, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã triển khai hiệu quả hàng loạt chương trình, dự án và đẩy mạnh hoạt động hội… tạo điều kiện để phong trào Giúp nhau làm giàu của các hội viên ngày càng sâu rộng, mang lại những kết quả khả quan.
Vai trò của Hội
Xác định mấu chốt của thành công là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, những năm qua Hội Nông dân huyện Cư M’gar đã thực sự trở thành điểm tựa tinh thần, luôn sát cánh cùng hội viên trên địa bàn huyện thực hiện tốt phong trào giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Bằng các việc làm cụ thể, Hội nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch, thực hiện hiệu quả hàng loạt các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng giúp nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, huy động mọi nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ… Ông Nguyễn Tấn Hiển, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar cho biết: từ năm 2007 đến nay Hội thường xuyên phối hợp với Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, Hội nông dân tỉnh tổ chức được 782 buổi tập huấn, hội thảo về chương trình khuyến nông, chuyển giao KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho 51.570 lượt cán bộ, hội viên tham gia; phối hợp với phòng LĐ-TBXH huyện, Trung tâm tư vấn hỗ trợ và giải quyết việc làm tỉnh mở nhiều lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Đồng thời, để tạo đà cho hội viên tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho 7.255 lượt hộ nghèo vay vốn với số tiền trên 71 tỷ đồng. Thành quả ấy được đánh giá bằng thực tiễn là đến nay, người dân huyện Cư M’gar đang tích cực mở rộng quy mô sản xuất cả về diện tích lẫn cây trồng chuyên canh với trên 36.000 ha cà phê, 8.127 ha cao su, trên 700 ha tiêu (trong đó có 1.625 hộ tham gia phát triển cà phê bền vững với diện tích 2.556 ha, sản lượng đạt 7.015 tấn). Về chăn nuôi có 256 trang trại gia súc, gia cầm trên tổng diện tích đất 2.090 ha. Điều đó cho thấy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đang được các cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng rộng rãi, số hội viên đăng ký thi đua SXKDG ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp năm sau cao hơn năm trước (năm 2007, toàn huyện có 6.215 hộ, đến năm 2011 có 7.619 hộ); số hộ SXKDG có thu nhập cao trên 500 triệu đồng/năm ngày càng nhiều, với mọi tầng lớp, thành phần, đặc biệt là lớp trẻ làm giàu không ngừng tăng.
Nhờ Hội Nông dân xã giúp đỡ, gia đình anh Hoàng Văn Định (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đang làm giàu từ sản xuất cà phê. |
Giúp đỡ nhau làm giàu
Theo báo cáo của Hội Nông dân huyện Cư M’gar, trong 5 năm qua các hộ nông dân, nhất là những hộ SXKDG trên địa bàn huyện đã tham gia 38.170 ngày công lao động, đóng góp 11,980 tỷ đồng xây dựng và tu sửa cơ sở hạ tầng nông thôn, công trình phúc lợi xã hội địa phương như đường giao thông, kênh mương nội đồng, điện đường, trường học, trạm xá… mang lại bộ mặt nông thôn mới cho các xã, thị trấn huyện, với 100% số xã có lưới điện quốc gia, trường THCS, trạm y tế… Song song đó, phong trào giúp nhau thoát nghèo cũng được triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực như giúp các hội viên về cây con giống, vốn, ngày công lao động, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, phương tiện làm ăn mới phù hợp với khả năng từng hộ, qua đó đã giúp hàng nghìn hộ hội viên có triển vọng thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, nhiều hộ dân có kinh tế khá cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ khó khăn, như gia đình ông Ama Bốc, Ama Hăm ở xã Ea Đrơng từ năm 2007 đến nay đã giúp các hộ khó khăn 35 triệu đồng để xây dựng 2 ngôi nhà cho hộ nghèo, ông Nguyễn Đức Hải, bà H’Mai Niê ở xã Ea Hding giúp nhiều hội viên khó khăn trên 100 triệu đồng vốn sản xuất mà không tính lãi…
Có nhiều hộ được sự giúp đỡ của Hội và các hộ hội viên SXKDG đến nay đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu; đồng thời lại giúp những hội viên khác gặp khó khăn, từ việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn cà phê đến đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Thoáng ở thôn 9, xã Ea Kiết, từ một hộ khó khăn, qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo 1,5 ha vườn cà phê già cỗi kém chất lượng bằng phương pháp ghép gửi, kết hợp chăm sóc bón phân cân đối, hợp lý; đến nay vườn cà phê của gia đình anh cho quả to, đồng đều với năng suất đạt 9-10 tấn nhân/1,5ha. Anh Thoáng chia sẻ: nhờ việc áp dụng kỹ thuật cải tạo vườn cà phê nhà mình hiệu quả. Anh đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ cho trên 100 hộ nông dân của xã Ea Kiết ghép cải tạo tăng năng suất vườn cà phê, đem lại thu nhập đáng kể cho bà con. Hay như gia đình anh Nguyễn Minh Phúc ở thôn 6, xã Ea Kiết, đã đào, cải tạo được 6 sào ao nuôi các loại cá truyền thống như chép, trôi, rô phi… kết hợp nuôi heo gia trại phía trên vườn để tận dụng nguồn phân heo làm thức ăn cho cá khá hiệu quả. Ngoài ra, với 2 ha vườn cà phê, anh trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, mỗi năm cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Từ mô hình xen canh cà phê của gia đình anh Phúc, hiện nay đã có gần 10 hộ dân trong xã vận dụng, đem lại hiệu quả bước đầu khá tốt.
Chia sẻ những thành quả trên, ông Nguyễn Tấn Hiển khẳng định: Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, Hội Nông dân huyện Cư M’gar đã đề ra mục tiêu phấn đấu những năm tới đạt 60% số hội viên SXKDG; trên 85% số gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn văn hóa… Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục là nòng cốt thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc