Bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê
Tại hội nghị “Triển vọng ngành hàng cà phê 2013: Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng”, đại biểu, diễn giả đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước… đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau
Đây là những vấn đề cần được quan tâm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và có thể đưa vào áp dụng trong thực tiễn nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
* Ông Nguyễn Văn Hòa (Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT): Tập trung vào các giải pháp quy hoạch để phát triển ổn định
Để đạt được mục tiêu về diện tích trồng cà phê đến năm 2020 là 500.000ha và tầm nhìn đến năm 2030 giảm còn 479.000 ha theo nội dung quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam đã được phê duyệt, trước hết các địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê, loại bỏ diện tích không thích hợp để tiếp tục duy trì phát triển ổn định và bền vững. Về cây giống, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục triển khai Dự án phát triển giống cà phê, tập trung nhân và chuyển giao nhanh giống cà phê vối, cà phê chè có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện xây dựng vườn đầu dòng, vườn cây mẹ của các giống cà phê mới, cung cấp đủ lượng mắt ghép nhân giống phục vụ trồng tái canh. Tăng cường kiểm tra chất lượng cây giống, kiên quyết xử lý các cơ sở nhân giống không đủ điều kiện. Về tái canh cà phê, từng địa phương có kế hoạch rà soát, phân loại diện tích cà phê hiện có, xác định diện tích cần chuyên đổi sang cây trồng khác, tiếp tục thâm canh hoặc tái canh. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những thiệt hại của việc thu hái quả xanh; từng địa phương có cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích mở rộng sản xuất cà phê có chứng nhận, có kiểm tra…
* Ông Nguyễn Nguyên (Công ty Cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên): Phải quyết tâm thì mới có thể tạo ra giá trị gia tăng cho cà phê
Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để tiến hành chiến lược nâng cao giá trị, chi phối lại chuỗi giá trị cà phê toàn cầu thay cho việc chịu sự áp đặt từ các nước không làm ra cà phê. Tuy nhiên, để có sự chuyển dịch to lớn này phải có sự quyết tâm mang tính cộng hưởng cao của 5 nhà: Nhà nước – đảm nhận vai trò “bà đỡ” cho sự thay đổi này; doanh nghiệp – người tạo ra giá trị gia tăng; nông dân – người nắm giữ nguồn lực; nhà khoa học – người gia tốc cho thay đổi và nhà truyền thông – người cổ động tinh thần đổi mới. Nếu các bên đoàn kết, cùng nhau nỗ lực khắc phục những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu cà phê thì sẽ nâng cao chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng mới cho toàn ngành cà phê. Trung Nguyên tin tưởng: Khi cùng nhau – Không gì là không thể!
* Tiến sĩ Dave A. D’haeze (Công ty Tư vấn cà phê E.D.E Consulting – CHLB Đức): Sớm nghiên cứu, áp dụng biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một nhanh hơn. Dự báo những năm tới, khí hậu khu vực Tây Nguyên tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tổng lượng mưa mỗi năm sẽ ít đi và các trận mưa không phân bố đồng đều mà có những trận mưa nặng hạt, bất thường; mùa khô sẽ dài hơn khiến lượng nước bốc hơi tăng, mạch nước ngầm giảm mạnh. Những thay đổi trên sẽ khiến cây cà phê không ra hoa hoặc ra hoa ít hơn và khả năng đậu quả cũng kém đi. Trong một số trường hợp, mưa trúng mùa thu hoạch sẽ dẫn đến việc thu hái, sơ chế, bảo quản gặp khó khăn, gây giảm chất lượng hạt cà phê. Tình trạng mạch nước ngầm sụt giảm sẽ gây khó khăn, tốn kém hơn trong việc tưới cà phê mùa khô. Biến đổi khí hậu là điều chắc chắn sẽ xảy ra nên ngay từ bây giờ, Việt Nam phải tính toán, áp dụng ngay biện pháp tưới tiêu tiết kiệm, tưới nhỏ giọt; phơi cà phê tập trung; đa dạng hóa cây trồng và cây che bóng, bên cạnh tăng cường công tác thu thập thông tin về khí tượng, mực nước, sâu bệnh hại… để khuyến cáo người dân áp dụng biện pháp phòng ngừa
* Ông Lương Văn Tự (Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam): Sớm xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam
Trong những năm qua, sản xuất cà phê ở Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng, đóng góp không nhỏ vào GDP của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về những hạn chế trong phát triển cà phê bền vững, đó là sản xuất cà phê tuy lớn nhưng manh mún, quy mô nhỏ, khó cho việc đầu tư kỹ thuật trồng trọt và chế biến; chất lượng cà phê xuất khẩu chưa ổn định, phần lớn xuất khẩu cà phê nhân chưa qua chế biến sâu; diện tích cây cà phê trên 20 năm tuổi cần tái canh lên đến 30%. Nếu không triển khai kịp thời chương trình tái canh thì trong 10 năm tới diện tích cà phê già cỗi có thể lên trên 50% và Việt Nam sẽ mất vị trí nước cung cấp cà phê nhân thứ 2 thế giới… Như vậy, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mà trước hết là sớm xây dựng hoàn chỉnh chiến lược phát triển ngành hàng Cà phê Việt Nam. Bởi nếu xây dựng được chiến lược thì các vấn đề về quy hoạch, tái canh cà phê, sản xuất bền vững, thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị ngành hàng… sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa theo một lộ trình đã đề ra.
* Ông Đoàn Xuân Hòa (Cục Chế biến, Bộ NN-PTNT): Phát triển khâu chế biến sâu cho mặt hàng cà phê
Hiện Việt Nam có trên 50 nhà máy chế biến cà phê nhân quy mô công nghiệp, với tổng công suất trên 1 triệu tấn/năm, nhưng chưa hoạt động hết công suất; việc chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê còn hạn chế, công suất chế biến cà phê hòa tan và rang xay mới chỉ chiếm chưa đầy 10% sản lượng cà phê cả nước (cà phê rang xay khoảng 68.000 tấn và cà phê hòa tan 12.000 tấn). Theo quy hoạch phát triển của ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030, công suất chế biến sâu cà phê sẽ đạt 135.000 tấn, trong đó cà phê hòa tan chiếm 60.000 tấn; đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng mới các nhà máy chế biến cà phê tiêu dùng (cà phê bột, cà phê hòa tan) để đạt công suất dự kiến trên. Trong năm tới, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành quy hoạch chi tiết về mạng lưới chế biến cà phê gắn với nguyên liệu, trong đó tập trung các cơ chế, chính sách để phát triển chế biến sâu cà phê. Với hệ thống chế biến cà phê nhân, hạn chế xây dựng thêm nhà máy mới; tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chế biến của các nhà máy hiện có.
Ngoài ra, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê, cần tập trung giữ ổn định sản lượng và nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu; phát triển cà phê có chứng nhận, kiểm tra; thành lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê, ban điều phối ngành hàng cà phê nhằm góp phần hỗ trợ tái canh, tạm trữ để điều tiết xuất khẩu, xúc tiến thương mại và nâng cao chất lượng của công tác đẩy mạnh xúc tiến xây dựng thương hiệu.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc