Cà phê Dak Lak: Khẳng định thương hiệu bằng quy trình chế biến thân thiện với môi trường
Để xây dựng thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị cà phê, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện các dự án phát triển cà phê sạch, cà phê bền vững cũng như áp dụng quy trình chế biến hiện đại, thân thiện với môi trường.
Xử lý cà phê trước khi đưa vào hệ thống chế biến cà phê ướt tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi. |
“Chuẩn hóa” quy trình sản xuất
Xác định sản phẩm cà phê sạch phụ thuộc vào cả quy trình từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến nên một trong những bước đi đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê là phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống cà phê mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu bệnh tốt để cải tạo dần những vườn cà phê già cỗi. Bên cạnh đó còn áp dụng biện pháp thâm canh tiến bộ, sản xuất, chế biến thân thiện với môi trường nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi từ năm 2002 đến nay đã áp dụng sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn UTZ Certified trên diện tích 1.800 ha. Công ty đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm bón, thu hoạch, sử dụng hầu hết sản lượng cà phê quả tươi đưa vào chế biến ướt nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Cùng với việc thu hoạch cà phê có tỷ lệ quả chín đạt trên 85%, Công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị dây chuyền sản xuất cà phê ướt, máy xay xát, máy sấy, đánh bóng, bắn màu, hệ thống sân bãi, kho chứa đạt chuẩn. Nhờ vậy, sản phẩm cà phê nhân sau khi xuất xưởng đạt chất lượng cao hơn so với chế biến khô. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2013 là năm thứ 12 liên tục Công ty được cấp chứng nhận UTZ Certified. Tham gia chương trình chứng nhận này, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ bộ quy tắc trên 150 tiêu chí từ khâu quản lý hồ sơ, nguồn gốc sản phẩm, quản lý canh tác đến vấn đề môi trường và xã hội. Thông qua chứng nhận UTZ Certified, công ty giảm được chi phí đầu vào, hưởng giá trị gia tăng 40 USD/tấn cà phê xuất khẩu, đặc biệt là đã xây dựng được thương hiệu cà phê bền vững, thân thiện với môi trường. Sản phẩm cà phê bột chất lượng cao COFFE VICTORIA của Công ty ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiện đại hóa dây chuyền, công nghệ sản xuất
Để tạo được chỗ đứng, thương hiệu trên thị trường cho 3 dòng sản phẩm chính là cà phê hòa tan, cà phê sữa, cà phê bột, Công ty Cổ phần Đầu tư - phát triển An Thái đã áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP. Đến nay, Công ty đã đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cao nhà xưởng, sân bãi, mua sắm các trang thiết bị chế biến hiện đại từ khâu rang, xay, tạo bột đến chiết xuất, sấy phun và thu sản phẩm. Bã cà phê được tận dụng sản xuất phân vi sinh bón cho cây trồng. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, công ty còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải. Từ đầu năm 2012, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Công ty Phát triển hạ tầng Khu Công nghiệp Hòa Phú xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi đưa ra môi trường. Cuối năm 2013, Công ty sẽ hoàn thành công nghệ xử lý, tận dụng nước thải để sản xuất phân bón. Hằng năm, gần 200 công nhân lao động của Công ty đều được tham gia tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm. “Người tiêu dùng quyết định “mạng sống” của một sản phẩm cà phê. Do vậy, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mỗi năm Công ty đầu tư 0,5 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững, nhất là khâu chế biến sản phẩm. Có như vậy, người tiêu dùng mới thực sự ủng hộ và đứng về phía mình”, ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty bày tỏ. Hiện 90% sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Inđônêxia…
Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”
“Muốn có sản phẩm cà phê chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận thì doanh nghiệp không những cần trang bị cơ sở vật chất phục vụ chế biến hiện đại, xử lý tốt vấn đề nước thải, chất thải mà còn phải chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Do đó, việc liên kết “4 nhà” trong sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê đóng vai trò chủ đạo”, ông Lê Tiến Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak chia sẻ. Ngay từ năm 2009, Công ty đã tiên phong trong việc liên kết với người trồng cà phê ở các địa bàn trọng điểm như Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Ana, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột để đầu tư, hỗ trợ nông dân từ vốn, cây giống đến hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê chất lượng cao. Đến nay, Công ty đã liên kết với trên 8.700 hộ, sản xuất hơn 13.000 ha cà phê theo hướng bền vững. Nhờ vậy, người dân đã dần thay đổi tập quán canh tác cũ bằng phương thức sản xuất tiên tiến, chú trọng đến sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường. Có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, Công ty xây dựng kho chứa hàng, đầu tư mua sắm thiết bị sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Các nhà máy chế biến đều có cây xanh và hệ thống xử lý bụi, chất thải đạt tiêu chuẩn, toàn bộ bụi, đất được hút, lắng lại và thu gom đổ theo quy định. Hằng năm, Công ty đều phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn và kiểm tra an toàn vệ sinh lao động. Nhờ vậy, kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị không ngừng tăng qua từng năm, chỉ tính riêng năm 2012, doanh thu đạt 6.577 tỷ đồng, tăng gấp 31 lần so với năm 1994; xuất khẩu 130.000 tấn cà phê, tăng 15,5 lần so với năm 1995.
Cần hơn nữa sự hỗ trợ từ Nhà nước
Toàn tỉnh hiện có hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê áp dụng hệ thống công nghệ chế biến ướt nhằm nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, các trang trại, nhóm hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống chế biến cà phê ướt với công suất nhỏ, hoặc chuyển sang chế biến nửa ướt, nửa khô, hạn chế dần việc chế biến khô hoàn toàn. Tuy nhiên, để ngành Cà phê Dak Lak phát triển một cách bền vững, ngoài những cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp, tỉnh cũng cần có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang cưa ghép bằng các dòng cà phê vối chọn lọc; tập hợp, liên kết người trồng cà phê theo hình thức hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, tránh phân tán, nhỏ lẻ như hiện nay. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa mối liên kết 4 nhà, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện chính sách thu mua tạm trữ, bảo đảm lợi ích thiết thực cho người sản xuất. Và trên hết, để xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Một khi ý thức của nông hộ, nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê được nâng lên và ngày càng thân thiện với môi trường thì chắc hẳn chuỗi giá trị cà phê xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng cao và tạo được vị thế, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Lê Nguyễn Kim Hồng
Ý kiến bạn đọc