Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp và nông dân cà phê cùng “kết nối”

20:04, 15/03/2013

Suốt những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV - năm 2013, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê là tâm điểm chú ý của nông dân. Đã có một sự gặp gỡ sinh động, chất lượng giữa doanh nghiệp và nông dân trên sân chơi này...


Nông dân đang nghe tư vấn tại một doanh nghiệp vật tư nông nghiệp.
Nông dân đang nghe tư vấn tại một doanh nghiệp vật tư nông nghiệp.

 

Đến gần hơn với “thượng đế”

Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà phê được tổ chức trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV – năm 2013 vừa qua quy tụ nhiều nội dung phong phú. Ngoài việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá cà phê đến với du khách, hội chợ còn là dịp để bà con nông dân thảo luận, vấn đáp về các kiến thức nông nghiệp. Doanh nghiệp cũng không bỏ lỡ cơ hội này để tiếp cận và quảng bá với nông dân về các sản phẩm phục vụ cho sản xuất, canh tác cà phê. Nông dân là thượng đế của họ và họ hiểu cà phê là cơm, áo, gạo, tiền với người dân Tây Nguyên. Bởi vậy mà đến với Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê, mục đích chính của doanh nghiệp chưa hẳn là lợi nhuận bán được nhiều hàng ngay tại Hội chợ mà quan trọng hơn cả là “làm quen”, giới thiệu và để lại ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của mình trong lòng nông dân. Hầu hết doanh nghiệp đều chuẩn bị các tờ rơi với thông tin cụ thể, hình ảnh bắt mắt để phát cho du khách trong đó đối tượng tập trung chủ yếu là nông dân. Trung tâm Phát triển cộng đồng có văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột đã dành hơn 50% thời gian tham gia hội chợ, bố trí một lực lượng cán bộ chuyên gia tư vấn hùng hậu thuộc nhiều lĩnh vực để tư vấn cho nông dân. Chỉ trong buổi sáng ngày 10-3, các cán bộ Trung tâm đã giải đáp hơn 80 câu hỏi của nông dân với các vấn đề được quan tâm chính là: tái canh, các bệnh trên cây cà phê, cách tưới nước sao cho hiệu quả nhất là trong tình trạng khô hạn, nguồn nước ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng như hiện nay...  Những câu hỏi phức tạp, cần có thời gian thực tế cũng như nghiên cứu đều được các tư vấn viên ghi lại kèm với số điện thoại để hồi âm sau. Điều đặc biệt, khi tham gia chương trình tư vấn của Trung tâm, nông dân vừa được giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cà phê, vừa được tặng quà. Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền lại sôi nổi, hoạt náo trong hội chợ lần này với chương trình điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận cũng như nhu cầu trong nông dân với hình thức bà con chỉ việc điền thông tin vào phiếu điều tra và được tham gia bốc thăm trúng thưởng. Cùng với hoạt động tư vấn tận tình, chu đáo, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Tây Nguyên Xanh, Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí, Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ, sản xuất Ba Lá Xanh... lại có thêm hình thức như mua 10 sản phẩm tặng thêm 1 sản phẩm, hoặc tặng quà là chiếc áo, mũ có in logo của hãng, tặng kéo cắt cành, chiếc chậu để bón phân…

Mục tiêu quan tâm hàng đầu của nông dân trồng cà phê là năng suất, chất lượng, canh tác hiệu quả, bền vững; còn về phía doanh nghiệp họ không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá hình ảnh, đến gần hơn với nông dân – “thượng đế” của mình.

Nông dân được “gỡ rối”

Một điều dễ nhận thấy khi đến với Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê là sự tham gia đông đảo của nông dân. Nhiều người ở cách trung tâm thành phố hàng trăm cây số cũng sắp xếp thời gian đến để chứng kiến hạt cà phê mình làm ra đã trở thành trung tâm của lễ hội. Tại đây, nông dân rất phấn khởi khi họ tìm thấy nhiều điều bổ ích cho mình. Đến với hội chợ, bà con nông dân không chỉ tham quan, mua sắm mà còn được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia trực tiếp vào các hoạt động như: trực tiếp trao đổi với các chuyên gia, tư vấn kỹ thuật kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc cây trồng. Hoạt động thu hút nông dân hơn cả chính là những buổi tư vấn kỹ thuật nông nghiệp với các nội dung: hướng dẫn bón phân đúng cách, đúng liều lượng, kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho cây trồng. Vượt qua khuôn khổ của một hội chợ “xúc tiến thương mại” thông thường, hội chợ  - triển lãm còn là diễn đàn để lắng nghe nông dân nói. Nông dân tham gia hội chợ được thỏa sức đặt câu hỏi trực tiếp đến với các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp để được tư vấn một cách cặn kẽ và hoàn toàn miễn phí.  Anh Trịnh Văn Quang (xã Cư Pơng, huyện Krông Puk) chia sẻ, để việc canh tác trên 4 ha cà phê đạt hiệu quả, anh luôn tìm tòi trên sách, báo, đài và đến các mô hình kiểu mẫu để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng khô bông bất thường trên cây cà phê của gia đình khiến anh lo lắng sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất vụ tới. Sau khi được nghe tư vấn, anh Quang như vừa “gỡ rối” được vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất này mà bấy lâu chưa biết “cậy” vào ai. Còn chị Đặng Thị Hà, nông dân đến từ xã Hòa Đông, huyện Krông Pak cho hay, do chưa từng tham gia buổi tư vấn trực tiếp nào như thế này nên chị rất háo hức. Buổi tư vấn đã có lời giải cho chị với một số hiện tượng xảy ra trên vườn cà phê thời gian gần đây. Đầu tư canh tác hơn 1 ha cà phê gần 2 năm tuổi nhưng hiện tượng vàng lá xuất hiện mấy tuần nay trên cây khiến chị “mất ăn mất ngủ. Chị mừng lắm khi đến hội chợ vừa được tham quan, vừa được tư vấn miễn phí. Chị thật không nghĩ là hội chợ lại có nhiều chương trình dành cho nông dân, phục vụ lợi ích thiết thực cho bà con đến vậy. Chương trình đã giúp chị học thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích và có thêm kinh nghiệm trong sản xuất.

Liên kết các “nhà”, câu chuyện được đề cập nhiều để phát triển cà phê bền vững. Đây là vấn đề những tưởng mang tầm vĩ mô nhưng với nông dân, sự liên kết với họ có thể cũng chỉ giản đơn là giải quyết một cách thiết thân và thực tế những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sản xuất. Và sự lắng nghe, trao đổi, tư vấn, giải đáp như những gì đã diễn ra trong hội chợ chính là sự kết nối sinh động để doanh nghiệp và nông dân gần nhau hơn trong sản xuất, kinh doanh cà phê. Một “sân chơi” mà cả hai “nhà” đều đón đợi...

Thuần Lan


Ý kiến bạn đọc