Multimedia Đọc Báo in

“Trợ lực” cho doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững

15:30, 15/03/2013

Việc hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận, kiểm tra (sản xuất cà phê bền vững) đang được khá nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động này lâu dài, rất cần sự hỗ trợ với ý nghĩa “trợ lực” từ Nhà nước.

Bắt đầu triển khai trên địa bàn tỉnh khoảng chục năm nay đến nay, các mô hình sản xuất cà phê bền vững đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhất là ở những vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh. Hiện sản lượng cà phê sản xuất bền vững của Dak Lak chiếm khoảng 45% tổng sản lượng cà phê của tỉnh. Mỗi tấn cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn này đều có giá bán cao hơn cà phê thông thường từ vài chục đến hàng trăm USD/tấn, tùy loại cà phê Robusta hay arabica. Để có được kết quả này, phải kể đến những nỗ lực rất lớn của các DN, như: Công ty TNHH Một Thành viên Cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH Một Thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak, Công ty TNHH Một Thành viên Cà phê Phước An, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam… trong việc hỗ trợ nông dân thành lập các tổ chức sản xuất cà phê bền vững (tổ nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã);  tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch theo tiêu chuẩn.

Có thể nói, lợi ích từ sản xuất cà phê bền vững mang lại là rất lớn. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì hoạt động giúp nông dân sản xuất cà phê bền vững, các DN đang rất cần Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và xử lý dứt điểm tình trạng cạnh tranh mua cà phê nguyên liệu không lành mạnh. Đối với việc hỗ trợ kinh phí, để thành lập được một tổ chức sản xuất trong nông dân, DN tốn khá nhiều chi phí từ việc vận động thành lập, tập huấn kiến thức, kỹ năng vận hành tổ nhóm sản xuất cho các trưởng, phó nhóm và khoa học kỹ thuật cho nông dân… Trong nhiều trường hợp, từng cây bút, cuốn vở ghi chép của nông dân, hay lớn hơn là chiếc máy tính phục vụ công tác của trưởng nhóm đều do DN tài trợ toàn bộ hoặc một phần. Vì chi phí bỏ ra tương đối lớn và phải duy trì liên tục nên các DN mong muốn Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Dĩ nhiên, việc xem xét hỗ trợ không tiến hành đại trà mà phải tính đến hiệu quả của các tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững do DN thành lập. Một vấn đề nữa DN cũng đang cần Nhà nước can thiệp đó là xử lý tình trạng tranh mua cà phê nguyên liệu. Đại diện nhiều DN cho biết, việc cạnh tranh mua bán trên thương trường là chuyện bình thường, vấn đề đáng quan tâm là việc tranh mua thiếu lành mạnh không đem lại lợi ích cho người sản xuất mà còn gây rối loạn thị trường. Khá nhiều tư thương không trung thực khi cân đong mua cà phê của nông dân thông qua việc chỉnh thiết bị cân theo hướng già hơn nên sẵn sàng đưa ra giá mua cao hơn các DN. Nông dân thấy giá cao hơn là bán mà không biết rằng mình đang bị “móc túi”. Các DN đề nghị Nhà nước sớm có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp gian lận trong mua bán; thu gom cà phê nhưng không xuất hóa đơn bán hàng để ổn định giá và tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc