Cơ hội cho sữa nội
Giá sữa ngoại vốn đã cao nay lại thêm đợt tăng giá mới khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) phải đắn đo suy nghĩ. Tuy nhiên, trước áp lực của việc cạnh tranh từ nhiều đối thủ ngoại thì lại nảy ra cơ hội mới cho sữa nội.
Cơ hội trong khó khăn
Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2013, một loạt hãng sữa nội lẫn ngoại như Abbott, FrieslandCampina Vietnam, Vinamilk, Physiolac… đua nhau tăng giá từ 7 đến 15%. Gần đây nhất, bắt đầu từ ngày 1-4, sữa Nestlé cũng có thông báo tăng giá 8-9%. Trước tình hình đó, nhiều người đã chọn cách quay lưng với sữa có giá quá cao, tìm đến với các loại sữa có mức giá vừa phải. Trên thực tế, một hộp sữa dành cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi, loại 900 gam của các hãng: Enfa grow A+ 3 có giá 432.500 đồng/hộp, Friso gold 3: 428.5000 đồng/ hộp; trong khi đó sữa cùng loại của các hãng sản xuất trong nước như Dielac 123 (Vinamilk) giá chỉ 190.000 đồng/ hộp. Như vậy, theo tính toán, trung bình một hộp sữa ngoại có giá gần gấp đôi sữa nội. Theo đó, để cân đối chi tiêu, nhiều người đã quay về dùng sữa nội. Chị Hồng - chủ một cửa hàng bán sữa trên đường Quang Trung, TP. Buôn Ma Thuột cho hay: sữa tăng giá liên tục khiến cho NTD bức xúc, trong khi nhu cầu dành cho mặt hàng này không hề giảm. Tuy nhiên, các hãng sữa nội dù tăng giá nhưng vẫn có thể chấp nhận được hơn so với sữa ngoại. Chị Lợi, tiểu thương tại chợ Tân An cũng cho biết vì giá tăng cao nên gần đây, các loại sữa ngoại bán ra chậm hẳn, thay vào đó, sữa nội với lợi thế giá rẻ hơn nên được nhiều NTD chọn mua. Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đã có gần 500 sản phẩm sữa. Điều này đã giúp NTD trong nước có thêm nhiều lựa chọn. Điều đáng mừng là gần đây, một số NTD đã ý thức về việc chọn loại sản phẩm hợp lý, phù hợp với khẩu vị trẻ chứ không còn tâm lý sính loại sữa ngoại đắt tiền.
Nhiều người quay lưng với sữa ngoại để chọn các sản phẩm sữa nội với giá rẻ hơn. |
Bên cạnh các loại sữa bột thì mặt hàng sữa tươi, sữa chua của các doanh nghiệp (DN) trong nước càng thể hiện rõ ưu thế và đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lượng tiêu dùng. Hiện các hãng sữa lớn như Vinamilk, TH True Milk, Nitifood, Dalat Milk… chiếm khoảng trên 60% thị phần của cả nước, trong đó Vinamilk chiếm tới 30% thị phần. Điều đó cho thấy các mặt hàng sữa tươi của các DN sữa trong nước đang ngày một chiếm ưu thế và tạo được niềm tin đối với NTD Việt. Bên cạnh đó, ngoài việc bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe thì nhiều hãng sữa cũng bổ sung thêm thành phần các dưỡng chất có tác dụng tăng cường vitamin, can xi, giúp phát triển chiều cao, phát triển não bộ… Hơn nữa, nhiều hãng sữa như Vinamilk đã đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại ngang với các hãng sữa hàng đầu thế giới. Hiện tại, sản phẩm của hãng đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Để tăng độ “phủ sóng” của sữa Việt
Trước áp lực của việc cạnh tranh từ nhiều đối thủ ngoại thì nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng đối với sữa nội. Theo kết quả nghiên cứu của ThS-BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm TP. HCM thì: Trong số mẫu 12 nhóm sữa nội - ngoại gồm các sản phẩm dành cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi, từ 6 đến 12 tháng tuổi, phụ nữ đang mang thai, người mắc bệnh tiểu đường, người trên 30 tuổi… đi giám sát và so sánh về chất lượng và độ an toàn thực phẩm, kết quả cho thấy các tỷ lệ về chất đạm, đường, béo của sữa nội tương đồng với sữa ngoại, tỷ lệ vi sinh, các hóa chất không mong muốn đều đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế…”. Hiện tại, việc giá sữa ngoại trên thị trường cao gấp gần 2 lần so với sữa nội cộng với việc công bố chất lượng của hai loại sữa này tương đương nhau đã khiến nhiều NTD tin tưởng hơn ở sữa Việt. Trong khi đó có nhiều sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài có hàm lượng đạm (protein) rất thấp, theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì những sản phẩm đó được xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung”, không có đầy đủ chất dinh dưỡng như các sản phẩm sữa, nhưng khi mang về bán ở thị trường Việt Nam lại được quảng cáo là sữa để bán với giá cao gấp nhiều lần. Rõ ràng, về vấn đề này, NTD đã bị “móc túi”! Không chỉ vậy, trên thực tế, trong cuộc cạnh tranh tìm kiếm và mở rộng thị phần thì giá sữa ngoại vốn dĩ giá đã cao, nay thêm đợt tăng giá mới lại là điều bất lợi đối với các DN nhập khẩu, phân phối. Đây cũng được cho là cơ hội tốt để các DN Việt khẳng định mình. Mặc dù vậy, khả năng tìm kiếm và giành thị phần của các DN Việt là không dễ, bởi vẫn còn một bộ phận không nhỏ NTD vẫn tin tưởng ở chất lượng sữa ngoại do tâm lý “giá cao thì chất lượng cũng cao”. Do đó, theo chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) thì kỹ thuật truyền thông rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Hiện nay có một số DN Việt đã làm tốt khâu truyền thông nhưng không thể so sánh với nước ngoài vì họ có thâm niên và nguồn tài chính mạnh hơn. Do đó, để tạo danh tiếng thương hiệu, đòi hỏi DN Việt phải nỗ lực nhiều hơn. “Sự tiếp sức của cơ quan nhà nước chỉ ở giai đoạn ban đầu, còn sau đó chính sự nỗ lực của DN mới quan trọng, và thương hiệu đến bằng sự tích tụ qua thời gian chứ không phải có trong một sớm một chiều!” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc