Dồn sức hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, khu vực kinh tế tập thể ở Dak Lak đã từng bước phát triển cả về chất và lượng, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhân kỷ niệm Ngày Hợp tác xã Việt Nam (11-4) và 20 năm thành lập Liên minh Hợp tác xã Dak Lak, PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TẤN QUANG, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
°Kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn những bất cập là chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
- Đúng là như vậy. trong 20 năm qua, thành phần kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng ở Dak Lak đã có những bước phát triển vượt bậc, đáng chú ý là các HTX hoạt động yếu kém từng bước được củng cố, HTX khá giỏi tăng lên. Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể đã huy động các nguồn lực để mở rộng quy mô, đa dạng về hình thức hợp tác, hướng đến phục vụ nhu cầu lợi ích xã viên và người lao động; bước đầu thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ-liên kết, tập hợp nông dân thành các nhóm (tổ hợp tác, nhóm sở thích) để mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất theo hướng bền vững và nâng cao giá trị sản xuất; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo đánh giá chung, số HTX khá giỏi chiếm 45%, trung bình (41%), yếu kém (14%).
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Phần vì năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ quản lý còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu, phần vì rất nhiều HTX gặp khó khăn về vốn đầu tư nhưng không hoặc khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Chính vì thế, không ít HTX không có vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến hoặc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, cũng có một số HTX gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường khiến việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, thiếu tính ổn định và hiệu quả không cao; cán bộ điều hành thiếu nhạy bén, chưa biết tổ chức sản xuất, thực hiện các dịch vụ mà xã hội đang cần.
° Liên minh HTX tỉnh đã làm gì để giúp các HTX vượt qua khó khăn, thưa ông?
- Việc giúp các HTX làm ăn, phát triển luôn được Liên minh HTX quan tâm. Ngoài việc tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển HTX, Liên minh HTX cũng đã lồng ghép, tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ các HTX tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; tiếp thị mở rộng thị trường; xây dựng các HTX điển hình; tổ chức và phối hợp tổ chức được hàng trăm lớp cho hơn 3.000 cán bộ cán bộ HTX tham gia các lớp đào tạo quản lý, điều hành. Đối với hỗ trợ tín dụng, bên cạnh việc hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Liên minh HTX đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ vốn cho các HTX. Từ nguồn vốn ưu đãi này, đã có nhiều HTX có thêm điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ kinh phí ban đầu nhằm khuyến khích thành lập mới các tổ hợp tác, HTX cũng đã được triển khai trên diện rộng. Với mỗi HTX thành lập mới được hỗ trợ từ từ 4,6-5 triệu đồng, mỗi tổ hợp tác được hỗ trợ 500.000 đồng phục vụ việc xúc tiến thành lập. Riêng các HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chuyển đổi hoặc thành lập mới còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng bổ sung vốn lưu động. Đối với việc xây dựng các HTX điển hình, bên cạnh việc tổ chức tham quan, học tập mô hình HTX các tỉnh khác, Liên minh HTX còn phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp kinh phí xây dựng HTX điển hình tiên tiến. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, đã xây dựng được 4 mô hình HTX có doanh nghiệp trực thuộc (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên); 16 mô hình HTX điển hình, trong đó có 2 mô hình HTX điển hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, 1 mô hình HTX kiểu mới, với tổng kinh phí xây dựng 949 triệu đồng.
°Năm 2013 kinh tế đất nước được nhận định vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Liên minh HTX tỉnh đã có những giải pháp đột phá nào để tiếp tục giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển?
- Tập trung nhân vật lực để hỗ trợ, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng phát triển là nhiệm vụ trọng tâm đã được Liên minh HTX đặt ra cho năm 2013 và những năm tiếp theo. Theo đó, sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mặt khác, duy trì các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho các HTX; tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; làm tốt công tác tư vấn hỗ trợ HTX trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương gắn kết lồng ghép các chương trình dự án để triển khai các chương trình phát triển làng nghề khu vực nông thôn…
Cũng cần nói thêm rằng, sự hỗ trợ của Liên minh HTX là cần thiết, nhưng sự nỗ lực của mỗi HTX mới là quan trọng, quyết định rất lớn đến sự thành bại của HTX. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ quản lý các HTX cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế của bản thân, chủ động học tập nâng cao trình độ và đổi mới cách nghĩ, cách làm; mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất; quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động khi phát triển nghề mới. Có như vậy các HTX mới có thể đứng vững và phát triển theo cơ chế thị trường trong xu hướng hội nhập quốc tế.
° Xin cảm ơn ông!
Ngọc Nguyên (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc