Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn vùng ven

10:06, 02/05/2013

TP. Buôn Ma Thuột đang từng bước chuyển mình trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong những bước phát triển ấy, các xã vùng ven đã thể hiện vai trò to lớn của mình.

Theo Đề án "Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020" đã được phê duyệt, TP. Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm chính trị, quốc phòng - an ninh, một thành phố văn minh hiện đại, mang sắc thái riêng của thành phố ở vùng cao Tây Nguyên, đồng thời cũng là một trong những trung tâm công nghiệp, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao của vùng; là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển thành phố theo hướng duy trì tăng trưởng cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và với thị trường trong và ngoài nước, Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Phát triển cơ sở hạ tầng các xã vùng ven là tiền đề quan trọng để thúc đẩy  sự phát triển của đô thị trung tâm.
Phát triển cơ sở hạ tầng các xã vùng ven là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của đô thị trung tâm.

Với những mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra, các xã vùng ven chính là "nguồn lực" quan trọng giúp khu vực trung tâm đẩy nhanh quá trình phát triển của mình. TP. Buôn Ma Thuột hiện có 8 xã vùng ven (Hòa Thuận, Ea Kao, Hòa Thắng, Cư Êbur, Ea Tu, Hòa Xuân, Hòa Khánh và Hòa Phú) với tổng diện tích 27.568 ha, chiếm 73,08% tổng diện tích toàn thành phố. Dân số của 8 xã là 117.968 người, chiếm 35,15% dân số toàn thành phố, trong đó có trên 34 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Rõ ràng với tiềm lực của mình các xã vùng ven sẽ đáp ứng việc đạt được các mục tiêu mà thành phố đề ra trong đề án. Bởi mỗi xã vùng ven đều có thế mạnh của riêng mình mà khu vực trung tâm không thể đáp ứng được. Chẳng hạn, với tiêu chí công nghiệp, người ta phải nhắc ngay đến xã Hòa Phú với khu công nghiệp Hòa Phú đang thực sự là điểm nhấn công nghiệp cho thành phố. Hiện tại, Khu Công nghiệp Hòa Phú đã có gần 20 dự án đăng ký và triển khai đầu tư, với tổng vốn 2.450 tỷ đồng, trên diện tích đất thuê gần 88 ha. Trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh như: Tổng kho ngoại quan (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên); xưởng sản xuất bê tông, cốt thép công nghệ ly tâm và rung ép (Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng cấp thoát nước Waseco); Công ty Cổ phần chỉ thun Dak Lak; khu liên hiệp chế biến cà phê, nông sản, kho chứa (Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9)...

Không chỉ là thành phần quan trọng giúp thành phố thực hiện chỉ tiêu, Khu Công nghiệp Hòa Phú đã kéo theo sự phát triển về dịch vụ của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, Khu Công nghiệp Hòa Phú đã giải quyết việc làm gián tiếp và trực tiếp cho hàng nghìn lao động của xã. Từ đó góp phần cải thiện đáng kể về kinh tế - xã hội và làm thay đổi bộ mặt của cửa ngõ phía nam thành phố. Hay như để xây dựng thành phố trở thành đô thị phát triển nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, Hòa Khánh, Ea Kao, Hòa Thuận và Cư Êbur là những hạt nhân quan trọng. Lâu nay, Hòa Khánh vốn đã rất nổi tiếng với cánh đồng lúa lớn nhất của thành phố, nay sẽ còn đóng vai trò chủ đạo cung cấp rau sạch cho khu vực trung tâm khi vùng này được quy hoạch trở thành trung tâm sản xuất rau sạch của thành phố. Trong khi đó, Hòa Thuận lại là trung tâm chăn nuôi của TP. Buôn Ma Thuột. Hiện xã Hòa Thuận có trên 10 trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp do Công ty Cổ phần CP Việt Nam hỗ trợ đầu tư.  Sản xuất lúa nước tại xã Ea Kao cũng là điểm nhấn đáng kể của nông nghiệp thành phố. Vừa qua xã Ea Kao đã phối hợp với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên ở Tây Nguyên, với diện tích 10 ha có 80 hộ đồng bào các dân tộc tham gia. Kết quả, trong hai năm liền, năng suất mỗi vụ (đông xuân và hè thu) đều đạt từ 8 đến 9 tấn/ha. Trong khi đó, xã Hòa Thắng lại mang trên mình trọng trách giúp thành phố trở thành đầu mối giao thông. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đứng chân trên địa bàn xã có một vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ bảo vệ biên giới các tỉnh Tây Nguyên của Tổ quốc. Nhà ga hành khách với công suất thiết kế có khả năng phục vụ 1 triệu hành khách/năm là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Nhằm phát huy mạnh hơn nữa những thế mạnh của các xã vùng ven, thành phố đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư, nhất là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ tính riêng trong năm nay, theo kế hoạch đã được phê duyệt, 68 công trình với tổng kinh phí hơn 71 tỷ đồng sẽ được triển khai. Trong đó đáng chú ý là sẽ khởi công mới 26 công trình (12 công trình giao thông, 3 công trình thủy lợi, 9 công trình trường học...). Theo Phó phòng quản lý đô thị thành phố Nguyễn Xuân Nở, với vai trò là động lực để trung tâm đô thị phát triển, thời gian tới, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án mục tiêu trên địa bàn các xã vùng ven, tạo tiền đề để phát triển đô thị trung tâm trong những năm sắp đến. 

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.