Khi doanh nghiệp chú trọng quảng bá thương hiệu
Cùng với việc nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) Dak Lak được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự năng động và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm “made in Dak Lak”.
Chủ động quảng bá, xây dựng thương hiệu
Các DN Dak Lak đang dần khẳng định chất lượng sản phẩm với NTD trong và ngoài tỉnh: các sản phẩm cơ khí có Bơm chìm Dafovina, cối xay Hòa Thuận; hàng tiêu dùng có cà phê Trung Nguyên, rượu cần Y Miên, bánh mì tươi Thành Phát, giò chả Lan Liễu, măng tây xanh của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hợp Nhất (huyện Ea Kar); rau an toàn của các HTX Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar), HTX Thuận Hòa… đã được đánh giá cao về chất lượng. Có thể nói, đó là cả quá trình các DN không ngừng nỗ lực, đầu tư, sáng tạo nhằm tạo uy tín, sự khác biệt riêng ở sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của NTD. Nhiều DN đã chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia vào các dịp hội chợ, triển lãm, lễ hội để có thêm cơ hội giới thiệu, tạo ấn tượng đẹp và niềm tin với NTD. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (Dafovina) cho biết, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, ông đã xác định phải xây dựng chữ tín với NTD, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chính hãng của công ty có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chế độ bảo hành thỏa đáng… Để sản phẩm trở nên phổ biến với nhiều NTD, công ty tích cực tham gia, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh; qua đó giúp DN mở rộng được mạng lưới phân phối, tìm các đối tác để hợp tác lâu dài, thậm chí hướng đến đưa sản phẩm ra nước ngoài tiêu thụ. Sản phẩm của Công ty cũng đã đạt nhiều giải thưởng cao, mới đây nhất, là giải Bạc chất lượng quốc gia năm 2012 của (giải thưởng thường niên do Thủ tướng Chính phủ trao tặng).
Một góc của xưởng sản xuất Dafovina. |
Nhiều năm nay, làng cối Hòa Thuận trở thành địa chỉ tin cậy được nông dân trong và ngoài tỉnh tìm mua. Có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, anh Trần Sỹ (chủ cơ khí Trần Sỹ) có bí quyết làm nên những chiếc cối xay cà phê bền, chắc, sạch vỏ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD, cuối năm 2010, anh Sỹ tìm tòi, sáng tạo cho ra đời loại cối xay cà phê S10, tách vỏ cà phê khô lồng dập bằng thép tấm, trục dao đôi, năng suất xay được từ 4-6 tấn/giờ, với những ưu điểm vượt trội: giữ lại được nguyên nhân và vỏ lụa của hạt mà không cần dùng đến nước, tiết kiệm nhiên liệu, thời gian phơi… Anh Sỹ cho biết, song song với việc nâng cao chất lượng và cố gắng tạo sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại, anh luôn chú trọng đến việc giới thiệu, tiếp thị sản phẩm của mình. Ngoài kênh phân phối truyền thống, anh còn triển khai nhiều hình thức bán hàng hiện đại như bán hàng qua điện thoại, mang sản phẩm phục vụ tận nơi cho khách hàng có yêu cầu. Bên cạnh đó, tại các dịp hội chợ, lễ hội, đặc biệt, như lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột anh đều mang sản phẩm tham gia để có cơ hội giới thiệu kỹ hơn với NTD về tính năng của các đời máy và hướng dẫn cách sử dụng để mang lại hiệu quả cao. “Đây là cơ hội mở rộng sản xuất, đưa thương hiệu cối Hòa Thuận đi xa”- anh Sỹ cho biết.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Sản phẩm “made in Dak Lak” có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã làm tăng tính cạnh tranh và chỗ đứng cho bản thân DN trên thị trường. Từ đó, những cái tên như cối Hòa Thuận, bơm chìm Dafovina… trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với NTD. Điều đáng mừng là nhiều DN trong tỉnh đều ý thức được việc chú trọng duy trì chất lượng với công tác chủ động tiếp thị sản phẩm, bởi để sản phẩm “made in Dak Lak” được nhiều người biết đến đã là việc làm khó, nhưng giữ vững chất lượng, uy tín với NTD lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Trên thực tế, khả năng chiếm lĩnh thị trường và năng lực quản lý của một số DN địa phương vẫn còn hạn chế, DN chưa mạnh dạn đầu tư cho hoạt động truyền thông, thiếu thông tin và sự liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cung ứng nguyên liệu giữa các DN trong cùng ngành nghề… đã khiến việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho một sản phẩm phức tạp, tốn nhiều chi phí và thời gian… cũng là một trong những trở ngại cho DN. Do đó, để sản phẩm đứng chân được vững trên thị trường, bên cạnh nỗ lực của DN, cần sự hỗ trợ đắc lực hơn nữa từ phía nhà nước, chính quyền để DN chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường, xây dựng thương hiệu, trong đó công tác giới thiệu, tư vấn, xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng. Việc tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương cần sự chung tay, hỗ trợ tích cực từ các ngành chức năng, tạo điều kiện thuận lợi để DN hoàn tất các thủ tục cần thiết, để DN chủ động, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp. Ngoài việc cần sự hỗ trợ về vốn, thông tin thị trường, bản thân các DN địa phương cũng cần chủ động liên kết với DN cùng ngành nghề để phát triển thương hiệu trên thị trường, nắm bắt cơ hội nhằm gia tăng hiệu quả cho hoạt động đầu tư.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc