Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho bài toán tái canh cà phê?

08:42, 08/05/2013

Kỳ cuối: Cần sự vào cuộc  của 4 nhà

Tái canh cà phê là công việc mới, không dễ thực hiện thành công bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kỹ thuật, nguồn vốn, cây giống... nên người nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rất cần sự giúp đỡ từ phía Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Cải tạo đất để tái canh cà phê là một trong những việc cần chi phí lớn.
Cải tạo đất để tái canh cà phê là một trong những việc cần chi phí lớn.

Từ thực tế phần lớn doanh nghiệp tiến hành tái canh thành công, còn nông dân tái canh thì thất bại hoặc hiệu quả không cao đã cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nhiều quy trình kỹ thuật bắt buộc đã bị bỏ qua. Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Việc trồng lại cây cà phê trên đất đã trồng cà phê đang gặp khó khăn, chủ yếu là do nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất. Nhiều trường hợp, sau khi trồng lại cây cà phê không chết ngay mà 2-3 năm sau mới chết, thiệt hại rất lớn. Một trong những biện pháp quan trọng là phải thu gom hết rễ cà phê cũ, bởi đây chính là nơi tá túc của nấm bệnh. Ngoài ra, phải áp dụng luân canh bằng những cây trồng ngắn ngày để cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng. Đối với những vườn cà phê cũ, không có tiền sử bị bệnh vàng lá thì thời gian luân canh tối thiểu chừng 2 năm; ngược lại thì thời gian luân canh phải nhiều hơn, ít nhất là 3-4 năm. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi: Tái canh cà phê thất bại là do làm sai quy trình kỹ thuật, nhiều nông dân làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm. Nói điều này để thấy rằng, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và quy trình tái canh cà phê đến người nông dân đang là yêu cầu cấp bách. Thời gian qua, khuyến nông các huyện cũng đã xây dựng vài mô hình tái canh nhưng phổ biến chưa rộng. Theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT), hiện các huyện đã có kết quả rà soát chất lượng vườn cây và xác định được diện tích cần tái canh hàng năm, do đó, việc cần làm trước tiên là đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, nhất là xây dựng các mô hình điểm, hướng dẫn nông dân thực hiện một cách bài bản, khoa học. Đã đến lúc việc phổ cập kiến thức tái canh cà phê phải được thực hiện bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh việc tăng cường hơn nữa việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về tái canh cà phê, các cơ quan chuyên môn cần xây dựng ở mỗi địa phương một vài mô hình trình diễn về tái canh cà phê để người dân tiện học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Cùng với đó, chính quyền địa phương (có thể là cấp xã) cũng phải vào cuộc, tiến hành soát xét chất lượng vườn cây trên địa bàn, xác định nhu cầu cần tái canh hàng năm. Trên cơ sở thông tin này, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để tổ chức những lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân một cách cụ thể.

Cung ứng đủ vốn và giống

Hướng dẫn kỹ thuật tại vườn cây đang được xem  là biện pháp tập huấn mang lại hiệu quả cao.
Hướng dẫn kỹ thuật tại vườn cây đang được xem là biện pháp tập huấn mang lại hiệu quả cao.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc tái canh cà phê đối với người nông dân hiện nay là thiếu vốn đầu tư. Theo tính toán, để tái canh 1 ha cà phê cần khoảng 150-250 triệu đồng - đây là khoản vốn tương đối lớn đối với nông dân, chưa kể thời gian tái canh kéo dài đến 5-6 năm: 2-3 năm đầu luân canh cải tạo đất, sau đó trồng lại phải mất 3 năm nữa mới có thu hoạch. Trong khoảng thời gian này, thu nhập của người dân không đáng kể khiến họ không mạnh dạn tái canh. Anh Phạm Văn Hùng, tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pak cho biết: gia đình anh có 1,6 ha cà phê đã bước sang tuổi 30, năng suất thấp, anh định trồng mới lại, nhưng qua tham khảo nhiều nơi thấy vốn đầu tư khá cao, thêm vào đó lại mất nguồn thu nhập trong nhiều năm nên gia đình rất băn khoăn, đang cố duy trì vườn cây bằng các chế phẩm sinh học. Hộ chị Nguyễn Thị Lương, xóm mới, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar có vườn cà phê đã 20 tuổi, năng suất thấp, do thiếu vốn trồng lại nên nhiều năm nay chị vẫn phải cải tạo vườn cây theo phương pháp cưa vát để nuôi chồi và dùng các chế phẩm sinh học. Thực tế cho thấy, cách làm này trước mắt giúp cải thiện năng suất nhưng về lâu dài vẫn phải tiến hành tái canh mới bảo đảm được hiệu quả. Thiếu vốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân nóng vội, không cải tạo đất theo quy trình mà tiến hành trồng ngay nên dẫn đến thất bại. Không riêng gì hộ nông dân, nhiều công ty sản xuất cà phê cũng đã và đang đối mặt với bài toán thiếu vốn phục vụ tái canh. Một số trường hợp phải làm dần trong điều kiện tài chính eo hẹp mặc dù diện tích cần tái canh là rất lớn. Các doanh nghiệp lẫn nông dân sản xuất cà phê đều mong muốn hệ thống ngân hàng xem xét, dành một lượng vốn lãi suất thấp để phục vụ cho vay tái canh cà phê.

Ngoài ra, vấn đề cây giống cũng hết sức quan trọng, ông Trịnh Tiến Bộ cho biết thêm: năm 2012, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Sở NN-PTNT đầu tư cho các huyện 1.600 kg giống cà phê lai đa dòng và 75.400 bầu cà phê ghép để tái canh hơn 2.000 ha cà phê. Năm 2013 Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho Dak Lak 1.650 kg hạt giống để phục vụ tái canh. Số giống hỗ trợ này cộng với năng lực sản xuất giống của các cơ sở được phép trên địa bàn thì có thể nói rằng, không cần quá lo lắng về giống. Điều quan trọng là cần khuyến cáo người dân sử dụng giống bảo đảm chất lượng và thông tin cho người dân những điểm bán giống bảo đảm, tránh mua phải giống kém chất lượng. Nên chăng, cơ quan chuyên môn có kênh thông tin, cung cấp cho nông dân những địa chỉ đủ điều kiện bán hạt, cây giống chất lượng.

Lê Ngọc-Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.