Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho bài toán tái canh cà phê? (Kỳ II)

14:37, 07/05/2013

Kỳ II: “Dục tốc bất đạt”

Diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa, năng suất kém đang ngày một gia tăng khiến người trồng cà phê nóng lòng phá bỏ để trồng mới, bất chấp quy trình lẫn khuyến cáo của các nhà khoa học. Điều này đã dẫn đến tình trạng rất nhiều diện tích tái canh thất bại, cây cà phê chỉ sống được vài năm đầu rồi chết dần, thiệt hại càng nặng nề hơn.

Làm theo quy trình hay kinh nghiệm

Từ năm 2010, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã ban hành quy trình tái canh cà phê vối với nhiều quy định rất chặt chẽ. Trong đó, đối với việc chuẩn bị đất trồng, phải tiến hành phân tích mật độ tuyến trùng trong rễ cây của vườn cà phê trước khi thanh lý để xác định thời gian luân canh phù hợp. Nhổ bỏ cây cà phê ngay sau khi thu hoạch (tháng 12, tháng 1); thu gom và đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi vườn cây. Sử dụng máy cày đất 1 lưỡi cày 2 lần ở độ sâu 40cm theo chiều ngang và dọc lô. Sau 1,5 – 2 tháng phơi đất, tiến hành bừa sâu 20-30cm theo chiều ngang và dọc. Trong quá trình cày, bừa, tiếp tục thu gom, đốt những rễ còn sót, cùng với thời gian luân canh ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê. Đối với những vườn cà phê bị vàng lá, thối rễ thì thời gian luân canh ít nhất 4 năm, với các loại cây đậu đỗ, ngô, bông… hoặc cây phân xanh họ đậu. Trong quá trình luân canh, đất cần được cày phơi vào mùa nắng hàng năm, tiếp tục thu gom và đốt rễ cà phê còn sót. Cùng với quy trình này, các nhà khoa học, quản lý doanh nghiệp trong ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nghiên cứu, sáng kiến trong tái canh cà phê. Chẳng hạn, cuối năm 2012, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi Nguyễn Xuân Thái cũng đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận sáng kiến “Giải pháp tái canh cà phê vối bằng biện pháp luân canh cải tạo đất”. Theo đó, quy trình bắt buộc trong cải tạo đất trồng mới tái canh cà phê vối trên nền đất thanh lý là phải nhổ cà phê vối bằng phương pháp thẳng đứng, cày rà rễ, thu gom hết rễ cũ; trồng luân canh cây ngắn ngày nhằm cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng. Thời gian luân canh ít nhất là 3 năm, trong đó 2 năm đầu trồng màu, năm thứ 3 trồng cây muồng hoa vàng (trồng 2 vụ) và cày vùi để tăng hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng cho đất. Tương tự, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã xây dựng quy trình tái canh cà phê vối, trong đó làm đất, luân canh cũng tương tự như trên và là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Cày vùi muồng hoa vàng - biện pháp tăng hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng cho đất.
Cày vùi muồng hoa vàng - biện pháp tăng hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng cho đất.

Tuy vậy, trong thực tế, chỉ một số doanh nghiệp trồng cà phê chuyên nghiệp áp dụng chặt chẽ quy trình tái canh, còn phần lớn hộ nông dân thì làm theo… hiểu biết của riêng mình. Có nơi, nông dân trồng mới cà phê ngay sau khi vừa nhổ bỏ cây cũ; sử dụng các chế phẩm sinh học để bón cho cà phê. Cũng có nơi, nông dân không nhổ bỏ cây cà phê cũ mà chỉ chặt hết cành, sau đó gom lại quanh gốc cà phê để đốt mà theo những người này, làm như thế nhằm… thiêu sống mầm bệnh! Lại có nhiều nông dân cải tạo đất bằng cách cày sâu; đào hố lớn, cạnh từ 1m-2m, sâu ít nhất 0,5m, theo họ, hố cần phải đủ lớn để tạo độ tơi xốp cho rễ cây con dễ phát triển, hình thành nên vùng rễ kháng lại sâu bệnh hại. Việc cày sâu, lật đất tạo nên một tầng canh tác tơi xốp và khử độc, diệt mầm mống sâu bệnh hại nhờ ánh nắng mặt trời và ôxy. Thực hiện tốt việc này thì việc bừa và rà rễ không cần thiết lắm vì khi cày lật một số rễ cà phê nằm trong đất bị phơi khô nên sâu bệnh hại cũng hạn chế. Nếu gom và đốt hết rễ, vô tình đã lấy đi lượng vô cùng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng do rễ cà phê phân hủy!

Thất bại nhiều hơn thành công

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ một số ít cá nhân, doanh nghiệp tiến hành tái canh cà phê thành công. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi, tiến hành tái canh từ năm 2005 đến nay, trên diện tích hơn 85ha của hơn 90 hộ nhận khoán vườn cây, toàn bộ diện tích tái canh phát triển rất tốt (100% đạt loại A), cho năng suất cao và ổn định. Tương tự, tại Công ty cà phê Ea Pôk, đã tái canh 180ha, trong đó có 80ha liên kết với dân không thực hiện biện pháp luân canh nên đến nay đều kinh doanh không hiệu quả và nhiều diện tích phải thanh lý. 100ha luân canh từ 3-4 năm thì sinh trưởng, phát triển bình thường, năng suất bình quân từ 25-30 tạ/ha. Việc tái canh của các hộ dân cũng vậy, thành công cũng có và thất bại cũng không ít, dù họ cũng đã làm… đủ kiểu. Đơn cử như trường hợp của ông Vương Đức Hợi (thôn 8, xã Cư Ni, huyện Ea Kar). Năm 2008, nhận thấy 8 sào cà phê 27 tuổi cho sản lượng thấp, chưa đầy 2 tấn nhân, ông đã phá bỏ để trồng mới. Với kinh nghiệp của người trồng cà phê lâu năm và cùng với kiến thức từ một số tư liệu về tái canh cà phê, ông thực hiện tái canh theo quy trình: nhổ cây, rà rễ, cày đất, đào hố bỏ vôi và phân chuồng; thực hiện trồng các loại hoa màu để cải tạo đất trong 2 năm đầu tiên. Sang năm thứ 3 ông bắt đầu trồng mới với cây giống mua từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Hai năm đầu, vườn cây phát triển rất tốt, tuy nhiên sang năm thứ 3 thì có dấu hiệu vàng lá, khô cành và chết dần…; nhổ lên thì thấy bộ rễ bị hư rất nhiều. Ông Hợi cho biết, trong năm tuổi thứ 3 và 4 của vườn cây, bình quân mỗi năm ông phải trồng thay thế 100 cây. Hiện tại, vườn cây đã bước sang tuổi thứ 5 nhưng tình trạng chết dần hoặc phát triển kém vẫn xảy ra, phải tiếp tục nhổ bỏ để trồng lại. Hay trường hợp của hộ bà Vũ Thị Hòa (tổ dân phố 17, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ), sau khi nhổ bỏ hơn 3 sào cà phê 26 năm tuổi, gia đình cũng đã thực hiện các biện pháp như rà rễ, cày xới, đào hố, bón vôi và phân chuồng, đồng thời để đất nghỉ trong 1 năm rồi trồng mới. Thế nhưng hiệu quả cũng không như mong đợi, 2 năm đầu, vườn cây phát triển đẹp; sang năm thứ 3 - 4 tốc độ phát triển bắt đầu chững lại, nhiều cây có biểu hiện bị bệnh và chết dần, phải nhổ đi trồng lại nhiều lần. Đến nay, sau 4 năm trồng lại, tổng số cà phê phải nhổ bỏ, trồng thay thế đã vượt quá con số 100 mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh những trường hợp thất bại nêu trên, cũng có một số trường hợp nông dân tái canh mà không thực hiện luân canh chỉ sử dụng một số chế phẩm sinh học đang bán trên thị trường để xử lý, sau mấy năm trồng, các diện tích này phát triển khá tốt, đã và đang cho năng suất cao…

(Còn nữa)

Lê Ngọc-Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.