Quỹ Bảo trì đường bộ Dak Lak: Có tiền mà vẫn “bó tay”
Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế. Cùng với việc đầu tư, xây dựng các công trình đường bộ, quá trình khai thác, sử dụng công trình đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật mới bảo đảm thời gian sử dụng, an toàn, hiệu quả. Vào thời điểm hiện tại, do nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho công tác duy tu, sửa chữa đường bộ chỉ đạt 40% nhu cầu và có xu hướng giảm dần nên việc đưa Quỹ Bảo trì đường bộ vào hoạt động kể từ ngày 1-1-2013 đang là yêu cầu cấp bách.
QL 29 đoạn từ trạm kiểm lâm số 1 đến trạm số 8 Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar) có nhiều điểm hư hỏng nặng. |
Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm bố trí vốn cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tuy nhiên nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 40% nhu cầu quản lý bảo trì đối với hệ thống quốc lộ và khoảng 20-30% nhu cầu quản lý bảo trì đối hệ thống đường bộ địa phương trong khi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn cần được bảo trì để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của mỗi cấp đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong cả nước. Trước đòi hỏi trên, ngày 13-3-2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ Bảo trì đường bộ (theo quy định tại Điều 49 Luật Giao thông đường bộ năm 2008) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2012. Trong đó quy định việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thay thế cho hình thức thu phí qua các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa bảo đảm nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lùi thời gian thu phí 7 tháng và bắt đầu thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện từ ngày 1-1-2013. Kế hoạch chi Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương năm 2013 là 4.100 tỷ đồng (65% nguồn thu trên đầu phương tiện và 1.500 tỷ do ngân sách cấp bù). Đến nay đã cấp cho bảo trì quốc lộ 5 đợt với khoảng 2.137 tỷ đồng trên giá trị thực hiện thực tế khoảng 2.388 tỷ đồng, đạt 89,5%. Tuy nhiên, khoản chi từ Quỹ Trung ương cho Quỹ Địa phương (phần 35% tổng số thu phí ô tô) đến nay chưa thực hiện được do công tác triển khai Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương chậm. Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, đến nay chỉ mới có 37 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương, trong đó mới có 18 tỉnh có danh sách Hội đồng quản lý Quỹ địa phương, 15 tỉnh ban hành mức thu xe máy và 10 tỉnh mở tài khoản quỹ địa phương để tiếp nhận nguồn từ Quỹ Trung ương chuyển về.
Tại Dak Lak, mặc dù đã được HĐND tỉnh thông qua, nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định thành lập Ban quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ của tỉnh. Theo Giám đốc Sở GTVT Y Puăt Tơr, kế hoạch chi của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương năm 2013 cho Dak Lak là 40 tỷ đồng. Đây là số tiền phục vụ bảo trì các tuyến Quốc lộ 14C, 29 và 27 đi qua địa phận tỉnh Dak Lak do Bộ GTVT ủy thác. Đến nay số tiền 40 tỷ đồng đã được giải ngân và nằm trong tài khoản của Sở GTVT, nhưng do tỉnh chưa thành lập được Ban quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương nên số tiền 40 tỷ trên vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
Thiết nghĩ, trong khi hạ tầng giao thông đang ngày càng xuống cấp, tiền bảo trì cũng đã có thì các ngành chức năng cũng cần sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết để Quỹ Bảo trì đường bộ sớm phát huy tác dụng. Bởi thực tế chỉ tính tại các tuyến quốc lộ đi qua địa phận tỉnh Dak Lak như đã nêu trên đã có nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, nếu không sớm được bảo trì không chỉ ảnh hưởng việc lưu thông mà còn khiến việc xuống cấp lan rộng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc