Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), song nhìn chung kết quả thực hiện vẫn chưa cao, chưa giải quyết triệt để những vấn đề khó khăn mà DN đang đối mặt.
Hàng tồn kho lớn, nhiều lò gạch chỉ tổ chức sản xuất cầm chừng. |
Nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành vào ngày 7-1-2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu quy định hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN. Chỉ riêng đối với vấn đề giải quyết hàng tồn kho, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ; có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ DN xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp chống buôn lậu… Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chưa nhiều chương trình hỗ trợ DN được triển khai nên trong việc tìm kiếm thị trường, DN vẫn phải “tự thân vận động” là chủ yếu, do đó hiệu quả không cao. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch, đá xây dựng các loại, đỗ gỗ cho biết, để giải quyết nhanh hàng tồn kho, đẩy nhanh vòng quay đồng vốn, đồng thời kiếm tiền trang trải cho các nhu cầu tối thiểu nhằm duy trì hoạt động, nhiều tháng qua họ phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất, chấp nhận chịu lỗ. Cũng liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Nghị quyết 02 có đề cập đến vấn đề tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón...
Dù vậy, đến thời điểm này, có thể nói rằng, việc thực hiện giải pháp này chưa được chú trọng, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, khó khăn mà DN đang đối mặt. Chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng vẫn xuất hiện tình trạng sản xuất, mua bán hàng giả, kém chất lượng tràn lan, diễn biến ngày một phức tạp và dường như đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp kinh doanh giống cây trồng kém chất lượng bị phát hiện nhưng việc xử lý, ngăn chặn vẫn chưa đến nơi đến chốn. Đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực này cho biết tình trạng trên đã gây cho họ nhiều thiệt hại, rõ nhất là việc tiêu thụ sản phẩm tụt giảm mạnh do không thể cạnh tranh nổi giá bán rẻ như… “cho không” của các đối tượng này.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong thời gian khá dài, hiện nay “sức khỏe” của nhiều DN đã đến mức cạn kiệt. Để tiếp sức cho DN vượt qua khó khăn, hơn bao giờ hết, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm hơn nữa đến việc thực thi các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN...
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc