Multimedia Đọc Báo in

Nuôi hươu sao: Hướng phát triển kinh tế mới của nông dân xã Ea Kiết

21:59, 03/08/2013

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm qua, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng mô hình nuôi hươu sao lấy nhung, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần tạo bước chuyển mới trong cơ cấu kinh tế địa phương. 

Mô hình chăn nuôi hươu sao của gia đình ông Võ Văn Nhâm (thôn 9, xã Ea Kiết).
Mô hình chăn nuôi hươu sao của gia đình ông Võ Văn Nhâm (thôn 9, xã Ea Kiết).

Để phát triển kinh tế gia đình, ngoài chăm sóc 2 ha cà phê, gia đình ông Võ Minh Nghiêm ở thôn 8 còn chăn nuôi thêm heo và đào ao thả cá. Mặc dù vốn đầu tư, công chăm sóc nhiều nhưng lợi nhuận thu được khá bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết, nguyên liệu đầu vào và giá cả thị trường của các loại nông sản. Năm 2000, trong một lần về thăm quê ở Nghệ An, được tiếp cận, tìm hiểu cách thức, quy trình chăn nuôi hươu sao, nhận thấy mô hình này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi mình sinh sống và điều kiện của gia đình nên ông mạnh dạn mua 4 con hươu giống nuôi thử nghiệm. Hươu sao vốn là động vật hoang dã nên ngoài việc tận dụng chuồng nuôi heo trước đây sửa chữa lại để nuôi nhốt, gia đình ông còn xây dựng hàng rào bao quanh vườn, tạo khu vực chăn thả tự nhiên. Ngoài kiến thức học hỏi được từ người quen, ông tự tích lũy thêm kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh qua sách báo nên đàn hươu của gia đình đã sinh trưởng, phát triển tốt. Khi được 2 tuổi thì hươu cái bắt đầu sinh sản, mỗi năm đẻ được 1 con, còn hươu đực cho thu hoạch từ 0,5 - 1 kg nhung. Ông Nghiêm cho biết, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung tuy có vốn đầu tư lớn nhưng dễ nuôi vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, chuồng trại đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn cho hươu khá phong phú, có thể tận dụng cỏ, lá cây, thời kỳ thúc lấy nhung cho ăn thêm bắp, chuối, bơ, mít, sung, cà rốt, gạo nếp và các loại đậu - những thực phẩm sẵn có tại địa phương. Vì vậy, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các vật nuôi truyền thống. Sau gần 13 năm thực hiện mô hình chăn nuôi mới, gia đình ông đã xuất bán được 30 con hươu giống với giá 10 - 15 triệu đồng/con và khoảng 20 kg nhung (15 - 20 triệu đồng/kg), trừ chi phí, mỗi năm thu lãi khoảng 70 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ cà phê, giúp gia đình ông ngày càng ổn định cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi dạy, tạo lập cuộc sống riêng cho các con. Điều đáng nói, gia đình ông đã trở thành điểm cung cấp giống hươu sao ổn định cho các hộ nông dân trong và ngoài huyện.

Từ thành công của gia đình ông Nghiêm, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi mới này. Chẳng hạn như gia đình anh Võ Văn Nhâm ở thôn 9 nuôi thử nghiệm 3 con hươu sao từ năm 2007, đến nay đã phát triển đàn lên 10 con, trong đó có 3 con đực đang lấy nhung và 2 con cái sinh sản. Theo anh Nhâm, để nuôi hươu sao đạt hiệu quả kinh tế cao, cần phải vệ sinh khu vực chăn nuôi thường xuyên, phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ và giữ chuồng trại thoáng mát, hợp vệ sinh. Anh Nhâm dự định thời gian tới gia đình anh sẽ đầu tư thêm vốn để mở rộng trang trại.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết Hoàng Thị Quyết cho biết, qua thực tế, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp với điều kiện của các nông hộ lại dễ thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đã chỉ đạo các chi hội tăng cường truyền thông, giới thiệu các mô hình hiệu quả để nông dân học tập, nhân rộng. Đồng thời, Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, đến tận nhà các hộ có chăn nuôi hươu sao để tiêm phòng dịch bệnh, hướng dẫn thêm kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, đến nay toàn xã đã có 20 hộ phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao với khoảng 100 con, không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định mà còn trở thành vùng nguyên liệu cung cấp con giống và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc