Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống dịch heo tai xanh: Bài học từ huyện Krông Ana

10:11, 12/08/2013

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là đối với dịch lở mồm long móng và heo tai xanh. Gần đây nhất dịch heo tai xanh đã bùng phát mạnh tại huyện Krông Ana và mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng dịch bệnh vẫn gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.

Theo báo cáo của Trạm thú y huyện Krông Ana, trong đợt bùng phát vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, dịch heo tai xanh đã lan ra 7 xã (Quảng Điền, Bình Hòa, Ea Bông, Ea Na, Dur Kmăl, Băng Adrênh, Dray Sáp) và thị trấn Buôn Trấp. Tổng số lợn mắc bệnh là 1.661 con, trong đó có 543 con chết buộc phải tiêu hủy. Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy lên đến 23.766 kg. Đến nay số lợn mắc bệnh vẫn chưa qua 21 ngày (thời gian có thể công bố hết dịch). Theo Trạm trưởng Trạm thú y huyện Krông Ana Lại Thị Tự, ngay khi phát hiện biểu hiện bệnh heo tai xanh xuất hiện tại xã Quảng Điền Trạm thú y huyện Krông Ana và các cấp chính quyền đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của địa phương, Chi cục Thú y đã tăng cường cho huyện 10 cán bộ chuyên môn cắm chốt tại huyện để phối hợp với địa phương xử lý. Với những hành động như trên, những tưởng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế, tuy nhiên do thiếu vắc xin nên việc phòng chống dịch thực sự chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Bà Lại Thị Tự cho biết, dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ ngày 25-5 tại xã Quảng Điền, nhưng đến ngày 6-6 các ngành chức năng mới tiến hành tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, Chi cục Thú y chỉ cho huyện ứng trước 1.500 liều vắc xin và phải thu tiền của người dân khi tiêm nên các hộ chăn nuôi không thật sự “mặn mà”, dẫn đến số lượng heo được tiêm rất hạn chế. Đến ngày 18-6, khi dịch bệnh xảy ra ồ ạt và lan rộng ra trên địa bàn 4 xã, lúc ấy Chi cục Thú y mới quyết định cấp 10 nghìn liều vắc xin cho địa phương. Với lượng vắc xin này, Trạm Thú y huyện Krông Ana cũng chỉ có thể tiêm theo hình thức dịch đến đâu tiêm đến đó, địa bàn nào có dịch thì mới tiến hành tiêm vắc xin. Với kiểu tiêm này đã không thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Đến ngày 23-6, khi dịch bệnh đã lan ra trên địa bàn 7 xã thì lúc ấy Cục Thú y đã phải vào cuộc và quyết định tiếp tục cấp thêm 30 nghìn liều vắc xin để tiêm bao vây trên tổng đàn heo lúc  ấy dịch bệnh mới nằm trong tầm kiểm soát.

Đến nay người dân huyện Krông Ana vẫn chưa được xuất bán heo ra thị trường.
Đến nay người dân huyện Krông Ana vẫn chưa được xuất bán heo ra thị trường.

Có thể thấy mặc dù dịch heo tai xanh trên địa bàn huyện Krông Ana đã cơ bản được khống chế, nhưng qua sự việc này, các bên liên quan cần sớm rút kinh nghiệm để hạn chế thiệt hại. Trước hết việc phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch heo tai xanh nói riêng cần sự vào cuộc một cách đồng bộ hơn nữa. Về phía các cơ quan chuyên môn, cần có đánh giá chính xác hơn diễn biến của dịch bệnh để đưa ra những quyết định kịp thời. Trong trường hợp này, nếu địa phương được cấp vắc xin sớm hơn, có thể thiệt hại đã không lớn như vậy. Hơn nữa nếu người dân có nhận thức được mức độ nguy hiểm và chấp nhận bỏ tiền ra để tiêm vắc xin cho đàn heo nhà mình thì với 1.500 liều vắc xin mà huyện Krông Ana được ứng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Về phía người chăn nuôi cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc của mình để giảm thiểu thiệt hại. Thực tế mặc dù được Nhà nước hỗ trợ vắc xin miễn phí, nhưng chỉ khi địa phương công bố dịch thì người chăn nuôi mới nhận được sự hỗ trợ này. Do đó trong thời gian chờ địa phương công bố dịch thì người chăn nuôi cũng nên chủ động để “cứu” đàn heo của mình. Bởi khi heo đã chết thì dẫu được Nhà nước hỗ trợ 25 nghìn/kg heo chết, nhưng với giá thị trường hiện đang dao động từ 38-45 nghìn đồng/kg hiện nay thì tổng thiệt hại với người nông dân là rất lớn. Đó là chưa kể việc đến nay người chăn nuôi ở huyện Krông Ana vẫn chưa thể xuất bán heo ra thị trường do địa phương này chưa thể công bố hết dịch…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc