Sản xuất hồ tiêu bền vững: Gia tăng vị thế và chuỗi giá trị của cây tiêu
Hồ tiêu hiện đang là cây trồng mang lại lợi nhuận “vàng” cho người nông dân. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt loại cây trồng này không chỉ phá vỡ quy hoạch của tỉnh mà còn dễ dẫn đến tình trạng hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Việc sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn Mưa nhiệt đới (Rainforest Alliance – RA) là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm gia tăng vị thế, chuỗi giá trị của hồ tiêu.
Phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch
Với giá dao động từ 120.000-130.000 đồng/kg, hồ tiêu đang là một trong những cây trồng cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có giá trị, góp phần nâng cao đời sống người dân. Giá hạt tiêu tăng cao là lý do chính thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích cây trồng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 3.567 ha tiêu với sản lượng 8.956 tấn thì đến năm 2012 đã tăng lên 8.047 ha với sản lượng 15.639 tấn, tập trung ở các huyện Ea H’leo, Cư Kuin, Krông Năng, Cư M’gar, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh tăng thêm 1.000 ha, phá vỡ quy hoạch trồng tiêu của ngành Nông nghiệp (duy trì ở mức 5.000 ha). Nhưng theo dự báo của các nhà chuyên môn, việc phát triển diện tích trồng tiêu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu ngành chức năng không kịp thời điều chỉnh thì đến năm 2014 sẽ tăng lên khoảng 10.000 ha (gấp đôi so với quy hoạch). Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn nhận định, chính việc phát triển “nóng” này sẽ mang lại nhiều hệ lụy: người dân phá bỏ các cây trồng khác chuyển sang trồng hồ tiêu; lượng cung tăng, giá giảm, nông dân lại chặt bỏ cây tiêu; ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước. Thêm vào đó, khi nông dân đổ xô vào trồng tiêu nhưng không tiến hành cải tạo đất, xử lý mầm bệnh sẽ dễ dẫn đến tình trạng cây bị bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống. Việc tự chọn lọc giống, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thiếu kiểm soát, kỹ thuật canh tác, thu hoạch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển hồ tiêu thiếu bền vững. Cũng theo ông Bộ, mặc dù đây là loại cây trồng có khả năng thích ứng với nhiều vùng sinh thái và có nhu cầu nước tưới ít hơn cà phê rất nhiều, thu hoạch hoàn toàn trong mùa khô nhưng yêu cầu kỹ thuật canh tác lại khá cao, vốn đầu tư lớn và dễ bị bệnh do nấm, tuyến trùng, rệp sáp gây ra. Do vậy, để phát triển cây hồ tiêu một cách bền vững, ổn định, đến năm 2015 diện tích đạt 8.000 ha với sản lượng 16.000 tấn và tăng lên khoảng 11.000 ha với sản lượng trên 24.000 tấn vào năm 2020 thì nông dân cần cân nhắc kỹ trước khi đầu tư trồng tiêu ở những vùng không nằm trong quy hoạch mà nên tập trung đi sâu vào sản xuất thâm canh theo hướng bền vững.
Cán bộ Hội Nông dân xã (bên phải) tìm hiểu việc thực hiện quy trình sản xuất tiêu bền vững của gia đình ông Ma Văn Tuy (thôn Ea Plông, xã Ea Tân). |
Hướng đến chiến lược phát triển bền vững
Để cải thiện tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh hồ tiêu, từ năm 2012, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Công ty thu mua Euroma cùng đối tác địa phương là Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak (Simexco Dak Lak) đã hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đầu tiên trên địa bàn tỉnh và cũng là dự án đầu tiên trong cả nước. Dự án được triển khai đến năm 2014 tại xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) và Ea Tân (huyện Krông Năng) với sự tham gia của 500 hộ nông dân trồng tiêu. Các nông hộ tham gia dự án phải thực hiện việc canh tác dựa trên bộ nguyên tắc để sản phẩm tiêu đạt tiêu chuẩn RA, tức là phải bảo đảm được các nguyên tắc về quản lý môi trường và xã hội, bảo tồn hệ sinh thái, nguồn nước, bảo vệ động vật hoang dã, đối xử công bằng và có điều kiện làm việc tốt cho người lao động. Sau 1 năm triển khai, mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác tiêu của các hộ nông dân trong vùng dự án.
Gia đình ông Đoàn Văn Thống ở thôn Thanh Cao (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có 1 ha hồ tiêu. Năm 2012 khi được tiếp cận với mô hình sản xuất tiêu bền vững, gia đình ông là một trong những hộ đầu tiên của xã đăng ký tham gia. Ông Thống cho biết, khi tham gia mô hình, các hộ được tập huấn về bộ nguyên tắc RA, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, phương pháp thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu và an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, được cấp phát sổ ghi chép nhật ký nông hộ, hỗ trợ mua tủ đựng thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí đào hố để thu gom rác, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe người lao động và vật nuôi. Nhờ vậy, từ chỗ sản xuất tiêu theo kinh nghiệm là chính, gia đình ông đã hạn chế sử dụng phân hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, tạo hệ thống thoát nước có độ dốc từ 7-15 độ, trồng cây che bóng và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được khuyến khích để phòng bệnh cho tiêu theo định kỳ nên vườn cây phát triển xanh tốt, năng suất tăng khoảng 20% so với trước. Không chỉ được chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiêu bền vững, các hộ tham gia mô hình còn được Simexco Dak Lak bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tân Nguyễn Văn Thanh cho biết, tuy hồ tiêu là cây trồng chủ lực trên địa bàn nhưng phần lớn nông hộ chưa nắm được kỹ thuật canh tác mà chủ yếu là học hỏi lẫn nhau hoặc tự tích lũy kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng chưa cao. Do vậy, khi được Công ty chọn tham gia Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”, Hội đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động, thành lập các nhóm hộ và kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất theo quy định nhằm định hướng và nhân rộng mô hình sản xuất tiêu bền vững trên địa bàn.
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Simexco Dak Lak cho biết, việc sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận của bộ nguyên tắc RA giúp hình thành chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ tiêu một cách bền vững. Thông qua mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn này, tháng 5 vừa qua, Simexco Dak Lak đã xuất khẩu được 11 tấn tiêu hạt đầu tiên có chứng chỉ cho đơn vị thu mua Euroma và sẽ tăng lên 400 tấn vào năm 2013. Đây cũng chính là cơ sở để “4 nhà” cùng vào cuộc nhân rộng mô hình sản xuất tiêu bền vững nhằm gia tăng vị thế và chuỗi giá trị của cây hồ tiêu.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc