Bất cập hóa đơn tự in
Sau hơn 3 năm thực hiện những quy định về hóa đơn tự in đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý cần phải được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung.
Kỳ I: Mua bán hóa đơn tràn lan!
Pháp luật trao cho DN quyền tự chủ trong việc in và phát hành hóa đơn nhưng thiếu các biện pháp kiểm tra, giám sát đã dẫn đến tình trạng thành lập DN tràn lan chỉ với mục đích duy nhất là mua bán hóa đơn, trục lợi ngân sách Nhà nước.
Dễ như... mua bán hóa đơn!
Chỉ cần một chứng minh nhân dân giả, kẻ gian đã có thể thành lập DN, đặt in hàng loạt hóa đơn và xuất khống một cách vô tội vạ. Đây là thực trạng nhức nhối đã diễn ra trên địa bàn tỉnh ta bao lâu nay. Điển hình như trường hợp của Công ty TNHH Một thành viên Thủy Phong Phát (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ), được thành lập từ đầu tháng 8-2012, vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu. Dù mới gia nhập thị trường nhưng ngay trong tháng đầu tiên, công ty đã kê khai doanh số mua vào, bán ra hơn 311 tỷ đồng, nhưng theo kê khai của DN thì chênh lệch giữa mua vào với bán ra (dương) chưa đến 125 triệu đồng?!. Cuối tháng 9-2012, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh thì phát hiện công ty này khai man đã bỏ địa điểm kinh doanh và mang theo 250 số hóa đơn. Xác minh lai lịch giám đốc của công ty cho kết quả, giấy chứng minh nhân dân dùng làm hồ sơ đăng ký kinh doanh là của một người khác đã bị mất từ năm 2004. Cũng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, DN H., được thành lập vào giữa tháng 2-2012, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu, vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12-2012, tổng doanh số mua vào bán ra theo kê khai của DN đã hơn 3.047 tỷ đồng, nhưng chênh lệch mua vào bán ra âm gần 276 triệu đồng?! Đầu tháng 1-2013, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ tiến hành kiểm tra thì phát hiện DN đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo 907 số hóa đơn và 14 triệu đồng tiền thuế còn nợ ngân sách. Lần tìm theo số chứng minh của giám đốc DN mới biết người này chỉ được thuê với tiền công vài triệu đồng/tháng, chủ yếu để ký hóa đơn, chứng từ theo chỉ đạo của một kẻ khác, ngoài ra chẳng biết gì về các giao dịch làm ăn của DN.
Tiếp nhận tờ khai thuế của doanh nghiệp tại văn phòng Cục Thuế. |
Ngoài việc chọn Dak Lak làm địa điểm thành lập DN “ma”, các đối tượng làm ăn bất chính còn chọn nơi đây làm “trung tâm” tiêu thụ hóa đơn bất hợp pháp. Chỉ trong vòng vài ba tháng trở lại đây, Cục Thuế đã ra quyết định truy thu hoàn thuế VAT của nhiều DN xuất khẩu cà phê chỉ vì lý do vướng vào các DN “ma” này. Chẳng hạn, Công ty TNHH Nam Nguyệt (xã Ea Ktur, Cư Kuin) bị thu hồi hoàn thuế VAT hơn 15 tỷ đồng vì mua cà phê của Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Phùng Gia cùng địa chỉ trên. Trong khi theo kết quả điều tra của cơ quan công an thì Công ty Phùng Gia bán cà phê cho Công ty Nam Nguyệt sau khi mua qua nhiều khâu trung gian ở không ít tỉnh, thành phố khác nhau mà các trung gian này đều có dấu hiệu phạm tội về lĩnh vực thuế, như: không hoạt động kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký hoặc đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Trường hợp của Chi nhánh Công ty CP tập đoàn Intimex tại Buôn Ma Thuột bị Cục Thuế thu hồi hoàn thuế VAT gần 1,2 tỷ đồng cũng vậy, đơn vị bán cà phê cho Chi nhánh này đã mua hàng của nhiều DN trung gian (có dấu hiệu phạm tội về lĩnh vực thuế) ở Dak Nông, Đồng Nai….
DN “ma” bùng phát gây lũng đoạn thị trường khiến hoạt động của các DN chân chính rất khó khăn (ảnh minh họa). |
Nhiều DN kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh cho biết, chỉ cần nhìn vào doanh số mua bán cà phê của các DN “ma” nêu trên cũng đã thấy “có vấn đề”. Bởi lẽ, sản lượng cà phê của Dak Lak chỉ khoảng 400.000 tấn/năm và cơ bản thuộc thị phần của các DN lâu năm trên địa bàn tỉnh, nên chuyện những DN mới thành lập mua được một lượng lớn cà phê trong thời gian ngắn là điều không thể. Điều này cho thấy sản lượng cà phê mua bán thể hiện trên hóa đơn là sản lượng khống, các DN “ma” xuất hóa đơn mua bán lòng vòng là nhằm mục đích trục lợi tiền thuế.
Nhiều hệ lụy
Sau một thời gian cơ quan thuế tích cực “truy lùng”, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp nêu trên đã cơ bản được kiểm soát, nhưng hậu quả do chúng để lại thì quá nặng nề, nhất là ngân sách Nhà nước bị thất thu hàng trăm tỷ đồng, thị trường cà phê bị lũng đoạn, các DN làm ăn chân chính thiệt hại lớn do không mua được hàng hóa, mất khách hàng… Theo nhiều DN xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh, hoạt động xuất khẩu cà phê thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí không dám tiếp tục mua nguyên liệu hay xuất khẩu nữa vì sợ rủi ro. Theo quy định tại Công văn 7527 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, cục thuế sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế VAT sau, thay vì hoàn thuế trước, kiểm tra sau như trước đây. Trong quá trình kiểm tra, chỉ cần một mắt xích trong chuỗi mua bán có dấu hiệu phạm tội về lĩnh vực thuế thì việc hoàn thuế sẽ bị dừng lại ngay. Trong khi các DN xuất khẩu cà phê thì cho rằng, đặc trưng trong mua bán cà phê xuất khẩu là qua rất nhiều khâu trung gian theo kiểu: DN A mua của DN B, B mua của C, C mua của X, Y, Z… nên DN xuất khẩu không thể kiểm tra được tính pháp lý đối với các giao dịch trước đó của đối tác. Do rủi ro quá lớn, nhiều DN xuất khẩu đã phải chọn giải pháp hoạt động cầm chừng, tập trung mua nguyên liệu giao hàng cho những hợp đồng đã ký chứ không dám ký kết hợp đồng mới. Phó tổng giám đốc một DN xuất khẩu cà phê cỡ lớn của Việt Nam tâm sự: ngưng xuất khẩu sẽ gây cho DN nhiều thiệt hại, nhất là mất uy tín với đối tác, không có tiền trả nợ ngân hàng dẫn đến bị nợ xấu…,nhưng không còn cách nào khác, vì nếu tiếp tục mua hàng, chẳng may trúng DN “ma”, trốn thuế thì DN cũng sẽ bị vạ lây bởi ngoài việc không được hoàn thuế còn có nguy cơ bị xử lý về mặt hình sự về hành vi đồng phạm trốn thuế.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy: lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 8-2013 chỉ khoảng 84 ngàn tấn, trị giá 179 triệu USD, cùng giảm gần 8% về lượng và giá trị so với tháng 7-2013. Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đạt 968.000 tấn, trị giá 2,08 tỷ USD, giảm gần 24% về lượng và xấp xỉ 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2012. Các nhà xuất khẩu cà phê cảnh báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ cà phê Việt Nam mất dần thị trường thế giới là rất lớn. Xuất khẩu cà phê đã mang về cho Việt Nam hàng tỷ USD mỗi năm, và nếu điều này xảy ra thì bài toán cân bằng cán cân thương mại sẽ trở nên khó khăn hơn.
(Còn nữa)
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc