Mùa mưa, thủy điện tăng tốc
Mùa mưa là mùa làm ăn cao điểm của các doanh nghiệp thủy điện nhờ lưu lượng nước tại các hồ chứa luôn dồi dào, ổn định. Theo đó, các đơn vị đều tăng thời gian, công suất vận hành các tổ máy nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng điện đề ra cho cả năm.
Đối với những nhà máy thủy điện (NMTĐ) công suất nhỏ, không có hồ chứa nước dự trữ thì vào cao điểm mùa khô thường hoạt động cầm chừng do không có nước để chạy máy, cho nên chuyện thành hay bại đều phụ thuộc tất cả vào những tháng mùa mưa. Theo đánh giá của Sở Công thương, bắt đầu từ cuối tháng 7, thời gian vận hành và sản lượng điện của các nhà máy tăng mạnh so với thời điểm trước đó, tính đến hết tháng 9, sản lượng điện từ các NMTĐ vừa và nhỏ đã đạt hơn 181 triệu KWh.
Các nhà máy thủy điện đều tăng tốc trong những tháng mùa mưa. |
Tuy nhiên, ở huyện M’Drak, đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm mới vào cao điểm mùa mưa nên các đơn vị thủy điện cũng vào “mùa thu hoạch” muộn hơn các nơi khác. NMTĐ của Công ty TNHH Hòa Long tại thôn 10, xã Ea M’doan – huyện M’Drak có công suất 2 MW, với 3 tổ máy đi vào hoạt động từ năm 2010, sử dụng nguồn nước suối Ea M’Doan có lưu vực dài 18 km. Từ đầu năm đến nay, do lưu lượng nước không ổn định nên nhà máy chỉ mới đạt khoảng 50% kế hoạch sản lượng của năm. Đến thời điểm này, lượng nước cũng chỉ đủ để vận hành 2 tổ máy nhưng không liên tục. Ông Lê văn Phương, Quản đốc nhà máy cho biết: từ đầu tháng 11 đến hết tháng 1 năm sau là mùa cao điểm sản xuất của nhà máy, bởi lúc này mưa nhiều, lượng nước trên suối ổn định với cao trình đạt 28,5 m để có thể vận hành hết công suất cả 3 tổ máy. Chỉ trong khoảng thời gian này, lượng điện sản xuất được tương đương gần 50% kế hoạch cả năm (gần 5 triệu KW/h). Để sẵn sàng bước vào chu kỳ sản xuất cao điểm, đội ngũ kỹ thuật của nhà máy đã kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục các sự cố máy móc, thiết bị bảo đảm duy trì các tổ máy hoạt động ổn định với công suất tối đa khi mùa nước đến. Tương tự, NMTĐ Krông Hin ở thôn 6, xã Ea M’doan sử dụng nguồn nước suối Krông Hin và hồ trung chuyển, trong 8 tháng mùa khô chỉ vận hành khoảng 5 giờ/ngày. Từ tháng 10, DN mới vào thời kỳ hoạt động cao điểm, chạy máy thường xuyên đạt 24/24 giờ để hoàn thành kế hoạch cả năm 25 triệu KW/h.
Trong khi đó, Công ty thủy điện Buôn Kuốp quản lý 3 NMTĐ Buôn Tua Sra, Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3, với tổng dung tích hồ chứa lên đến gần 600 triệu m3 nước,nhưng các nhà máy hoạt động không hết công suất trong mùa khô với thời gian vận hành máy chỉ 12-14 giờ/ngày. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết: vào mùa mưa thời gian chạy máy mới nâng lên 18-24 giờ/ngày, đặc biệt, từ tháng 9 hồ chứa sẽ đầy nước, các tổ máy có thể hoạt động 24/24 giờ, chỉ riêng quý 4, sản lượng điện sản xuất được sẽ đạt 35-40% kế hoạch cả năm.
Dak Lak mỗi năm sản xuất khoảng 3 tỷ KWh điện từ gần 20 NMTĐ, trong đó riêng 11 công trình vừa và nhỏ (tổng công suất lắp máy hơn 60 MW) đã đi vào hoạt động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo, Krông Bông, Ea Kar, M’Drak…, lượng điện phát hàng năm khoảng 290 triệu KWh, doanh thu gần 200 tỷ đồng/năm. Ông Trương Công Hồng, Trưởng phòng quản lý năng lượng, Sở Công thương cho biết: công nghiệp điện đóng góp một phần không nhỏ vào giá trị ngành công nghiệp Dak Lak, nhưng vào thời điểm này giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ 550 đồng/KWh, nên các NMTĐ đẩy mạnh sản xuất để tăng sản lượng và giá trị kinh doanh.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc