Multimedia Đọc Báo in

Trái ngọt trên vùng đất khó Cư Elang

11:49, 23/10/2013

Cư Elang là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ea Kar với tỷ lệ hộ nghèo trên 74%; đất đai nơi đây bạc màu, pha cát, mưa thì ngập úng, nắng lại khô hạn. Trong khi địa phương chưa xác định được cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế thì việc người dân thôn 3 và thôn 6B đưa vào trồng thử nghiệm thành công cây quýt đường, đã mở ra triển vọng mới trên vùng đất khô cằn này.
Đến thăm vườn quýt đường rộng 1,5 ha đang mùa trĩu quả của gia đình anh Hoàng Trí Dũng (thôn 3), chúng tôi như không tin vào mắt mình bởi vùng đất khô hạn, nghèo khó trước kia đã được gia đình anh chinh phục, trở thành vườn cây ăn trái tươi tốt. Vào vùng đất nghèo Cư Elang lập nghiệp từ năm 2004, bao nhiêu tài sản, vốn liếng dành dụm được, vợ chồng anh Dũng đầu tư trồng cà phê, điều. Sau gần 7 năm dồn công đầu tư, chăm sóc, không ngờ vùng đất xám bạc màu, pha cát nơi đây không thích hợp với các loại cây trồng này, trong khi vốn đầu tư lớn, giá cả lại bấp bênh nên gia đình anh ngày càng thua lỗ. Không khuất phục khó khăn, anh mày mò, tìm đến những nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tương tự xã Cư Elang để tìm loại cây trồng có thể phát huy hiệu quả, và năm 2010, gia đình anh quyết định chuyển hướng sang trồng cây quýt đường đang được thị trường ưa chuộng. Thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng và vay thêm anh em dòng họ, vợ chồng anh Dũng thuê người cải tạo đất, mua giống trồng 1.000 cây quýt đường. Sau 3 năm dày công vun xới, đến nay vườn quýt nhà anh bắt đầu cho thu hoạch. Anh Dũng cho biết: quýt đường là giống cây trồng mới, xuất xứ từ miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi đưa về vùng đất này trồng lại phù hợp, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Khả năng cho trái không thua kém gì các nơi khác, chỉ cần chú ý chăm sóc bộ rễ thì cây sẽ phát triển tốt. Năm nay, tuy mới thu bói, nhưng 1.000 cây quýt đường của anh cho thu hoạch khoảng 20 tấn, bán tại vườn với giá từ 17.000 – 25.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên,  trồng quýt cần vốn đầu tư lớn (khoảng 400.000 đồng/cây) nên mùa đầu tiên lãi còn ít. Sang mùa trái thứ hai, sản lượng khoảng 40 tấn, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều lần; thời gian thu hoạch trong vòng 8 năm mới phải cải tạo trồng lại, chắc chắn gia đình anh sẽ làm giàu từ cây trồng này.  

Anh Lý Văn Thạch giới thiệu kỹ thuật trồng quýt đường trên vùng đất khó Cư Elang.
Anh Lý Văn Thạch giới thiệu kỹ thuật trồng quýt đường trên vùng đất khó Cư Elang.


Trong khi đó, gia đình anh Lý Văn Thạch (thôn 3), những năm qua chỉ biết luân phiên trồng các loại cây nông sản ngắn ngày trên diện tích gần 1 ha, nhưng kết quả đem lại chẳng đáng là bao. Thấy một số hộ dân trong vùng trồng thành công cây quýt đường nên năm 2010, anh quyết định trồng thử nghiệm 400 cây, đến nay bắt đầu cho thu bói khoảng 40 kg/cây. Theo anh Thạch, cây quýt đường không kén đất, quan trọng nhất là phải đủ nước, nhưng tuyệt đối không để ngập úng. Nếu không nắm vững kỹ thuật, trồng quýt đường rất dễ thất bại do nhiều sâu bệnh hại như xì mủ, vàng gân lá, ruồi vàng hại trái… Để hạn chế sâu bệnh hại, ngoài việc cải tạo, xử lý tốt mầm bệnh trong đất trước khi xuống giống cũng như trong quá trình cây sinh trưởng phải thường xuyên thăm vườn, cung cấp đủ nguồn nước, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời. Với giá bán ổn định như hiện nay và việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái tìm mua tận vườn thì chỉ vài năm nữa, gia đình anh sẽ thu hồi vốn và có lãi.
Hiện nay, các hộ dân ở thôn 3 và 6B đã phát triển hơn 60 ha quýt đường, phần lớn diện tích đã cho thu hoạch, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ông Hoàng Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết, trong số 10 thôn, buôn trên địa bàn xã thì chỉ có vùng đất thôn 3 và 6B là phù hợp nhất với cây quýt đường. Do vậy, địa phương đã khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên phát triển ồ ạt, tránh tình trạng trồng rồi lại phá, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sự phát triển của địa phương.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.