Làng bánh tráng Ea Bar tất bật vào tết
Bánh tráng được làm chủ yếu từ bột gạo và có thể làm quanh năm nhưng giáp tết mới là vụ chính của bà con. Bởi mùa tết là mùa khô, bánh làm ra được nắng, được gió chỉ cần phơi 15 – 20 phút là bánh khô đều nên giữ được nguyên hương vị thơm ngon của nó.
Xuất thân từ làng nghề truyền thống Hòa Nhơn (Bình Định), từ nhỏ đã được xem bà, mẹ mình làm bánh nên chị Nguyễn Thị Nhung biết làm bánh từ lúc 15 tuổi. Rời quê hương lên lập nghiệp trên vùng đất mới Ea Bar, đất canh tác ít nên ngoài việc làm rẫy, hai vợ chồng chị Nhung mua gạo về làm bánh tráng. Bình quân mỗi ngày gia đình chị làm 35 kg gạo được 700 cái bánh tráng thành phẩm thu về 200.000 đồng. Riêng mùa tết (từ tháng 11 – tháng 1 năm sau), nhu cầu sử dụng bánh tráng nhiều nên để có bánh giao đúng hẹn cho khách, gia đình chị phải tăng ca, thức dậy từ 3 giờ sáng để xay bột làm bánh, tráng bánh để kịp phơi khi trời vừa nắng. Buổi tối cả nhà làm thêm đến 10 giờ đêm: ngâm gạo, xếp bánh để giao cho khách và chuẩn bị liếp để làm bánh sớm mai. Tay thoăn thoắt múc bột, tráng bánh, đậy nắp, gạt lửa, trải bánh…, chị Nhung tâm sự :“Tùy vào đơn đặt hàng của khách, tùy loại bánh mà độ dày, mỏng khác nhau, bánh nướng thì thật dày và có thể thêm mè, thêm nước dừa, mu dừa, hành củ, gừng… tùy loại. Bánh cuốn thì mỏng vừa, bánh làm nem thì mỏng như tờ giấy. Gạo làm bánh phải là gạo thơm, dẻo. Độ cháy của lửa tùy thuộc vào tay nghề của người thợ, khéo tay, nhanh tay thì lửa đỏ, mới vào nghề thì lửa cháy nhỏ. Khi tráng bánh phải tráng đều tay theo hình tròn của khuông bánh và nhanh tay lấy bánh khi nó vừa kịp chín”. Gia đình ông Mai Hữu Tứ ở thôn 6 cũng sống dựa vào nghề làm bánh tráng nhiều năm nay. Do không có đất sản xuất nên hằng ngày vợ ông phải đi làm thuê từ sáng sớm cho các hộ làm bánh trong thôn với mức lương 100.000 đồng/ngày. Mùa tết tiền công tăng lên 130.000 đồng/ngày, hai con đầu của gia đình ông cũng tranh thủ buổi học, buổi đi làm bánh để phụ giúp gia đình. Còn ông Tứ thì chở bánh đi khắp các nơi để tiêu thụ. Ông Tứ kể rằng, hằng ngày ông thường chở bánh đi bỏ mối cho các tiệm tạp hóa ở TP. Buôn Ma Thuột, gửi hàng theo xe đi nhiều nơi khác tiêu thụ… Mùa tết, nhu cầu sử dụng bánh tráng nhiều nên ông phải dậy đi giao hàng từ sáng sớm để có thêm đồng ra, đồng vào trang trải chi tiêu mùa tết.
Gia đình ông Phan Đình Ngọc ở thôn 7 cũng theo nghề làm bánh tráng truyền thống từ ba đời nay. Ông Ngọc cho biết, do làm thủ công tốn nhiều thời gian nên năm 2012 gia đình ông đã đầu tư mua máy xay bột, máy tráng bánh hết 56 triệu đồng. Sử dụng máy móc trong việc làm bánh không chỉ tiết kiệm thời gian mà bánh tráng làm ra còn đều hơn, đẹp hơn. Bình quân mỗi ngày gia đình ông làm được 2,5 tạ gạo tương đương 5.000 cái bánh. Riêng mùa tết thời tiết nắng hanh thuận lợi cho việc phơi bánh nên mỗi ngày gia đình làm tăng lên 3,5 – 4 tạ gạo, tương đương 7.000 – 8.000 cái bánh, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 1 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở làm bánh tráng của ông Ngọc còn giải quyết công ăn việc làm cho 4 người trong vùng với mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Nhung làm bánh tráng tết. |
Theo ông Trần Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Nhơn cho biết, Hợp tác xã Hòa Nhơn hiện có 362 xã viên, trong đó có 182 hộ làm nghề bánh tráng. Họ là những người quê gốc ở các làng nghề truyền thống bánh tráng Hòa Nhơn và An Nhơn (Bình Định) lên Ea Bar định cư những năm 1982. Ngoài làm bánh tráng theo cách thủ công truyền thống thì hiện đã có 3 hộ mạnh dạn đầu tư máy làm bánh, máy xay bột để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu làm bánh thủ công truyền thống, mỗi ngày một hộ gia đình (2 nhân công) làm từ sáng sớm đến khuya được 600 – 800 cái/ngày thì làm máy với khoảng thời gian 5 tiếng tăng lên gấp 10 lần từ 3 – 4 tạ gạo, tương đương 6.000 – 8.000 cái/ngày. Hiệu quả của việc áp dụng máy móc trong việc làm bánh là điều thấy rõ, tuy nhiên người dân địa phương nơi đây vẫn chưa phát huy được công suất của máy bởi chi phí đầu tư liếp bánh quá cao. Mỗi liếp bánh dài khoảng 6 m có giá 60.000 đồng, sử dụng trong khoảng 1 năm. Mỗi chiếc bánh tráng bảo quản trong túi ni lông có thời gian sử dụng trong 6 tháng. Mùa mưa, thị trường bánh tráng vẫn thiếu hàng nhưng người dân không thể sản xuất vì bánh làm ra không có nắng sẽ bị hỏng trở thành phụ phẩm cho heo, bò. Vì thế, mùa tết thời tiết thuận lợi hơn vẫn là mùa “làm ăn” của bà con làm bánh tráng…
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc