Multimedia Đọc Báo in

Làng rau vào vụ tết

08:25, 18/12/2013

Làng rau Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) được biết đến là một vựa rau lớn nhất, nhì thành phố TP. Buôn Ma Thuột. Rau làm ra không chỉ cung cấp cho nhu cầu của thành phố mà còn được thương lái đưa đi các huyện trong tỉnh để tiêu thụ. Năm nào cũng vậy, nơi đây bao giờ không khí xuân dường như cũng đến sớm hơn khi bà con nông dân đang hối hả chuẩn bị vụ rau cho cái tết đang đến gần.

Rau vào vụ tết

Nghề trồng rau ở Khánh Xuân đã có trên 20 năm nay và mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Rau tại đây được làm quanh năm nhưng tết là vụ lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 3, 4 lần so với ngày thường. Lứa rau vụ này đã giúp mang lại cái tết tươm tất hơn cho người dân nơi đây.

Nhiều loại rau đã lên luống, sẵn sàng chờ tiêu thụ dịp tết.
Nhiều loại rau đã lên luống, sẵn sàng chờ tiêu thụ dịp tết.

Từ đầu tháng 9 âm lịch, người dân làng rau đã tất bật với việc làm đất, để ải, xuống giống cho lứa rau cuối cùng của năm cũ. Trên các vườn rau, từ sáng sớm đã tấp nập người trồng, chăm sóc rau. Bà con cho hay: rau tết bán ra dù giá không cao hơn ngày bình thường là mấy, nhưng bù lại lượng rau bán nhiều gấp 3, 4 lần nên cũng có thu nhập kha khá để trang trải cho một cái tết tươm tất hơn. Từ tháng 9 âm lịch, các nhà vườn luôn phải bám sát thời vụ, “canh” thời gian sinh trưởng của từng loại rau để thu hoạch đúng dịp tết. Theo nhiều hộ trồng rau thì thông thường, su hào phải xuống giống trước tết hơn 2 tháng, cải ngọt thì 20-25 ngày, mồng tơi: 30 ngày, rau xà lách: khoảng 1 tháng, ngò: 27 ngày. Trên diện tích hơn 3.000 m2, ngày bình thường lúc nào vườn rau của anh Lê Văn Huấn (liên gia 10, tổ dân phố 12) cũng xanh mướt với đủ các loại, từ rau ăn lá như cải ngọt, mồng tơi, cải thìa, cải thảo, rau dền đến các loại rau gia vị như kinh giới, tía tô, ngò…; nhưng để chuẩn bị vụ rau cho dịp tết năm nay, anh trồng phần lớn là rau xà lách, cải ngọt, su hào và một số loại rau gia vị. Anh Huấn tâm sự: những năm gần đây, rau địa phương mắc phải sự cạnh tranh lớn bởi nguồn hàng từ Đà Lạt chuyển về nên bà con chỉ trồng các loại rau những nơi khác trồng ít hoặc có sức tiêu thụ mạnh thì mới mong bán đắt hàng, được giá. Hiện hơn 2.000 cây su hào trong vườn của anh Huấn đã xuống giống được 20 ngày và giờ đang cấy vào luống cấy vào luống, phục vụ cho dịp tết. Riêng xà lách đã xuống giống được 10 ngày nay, anh đang phơi đất để chuẩn bị cấy ra luống. Với tổng cộng hơn 4.000 cây xà lách dịp này, anh dự định cung cấp cho thị trường tết khoảng 1 tấn rau. Cả đời gắn bó bên những luống rau, anh Đàm Đức Ngọc (liên gia 8, tổ dân phố 12) cho biết: trồng rau dịp tết, trên cả 8 ha đất vườn, anh ưu tiên trồng su hào và ngò vì có sức tiêu thụ mạnh. Riêng su hào thì xuống giống sớm, từ tháng 9 âm lịch, giờ đang phát triển tốt, cao gần gang tay để kịp phục vụ cho nhu cầu làm dưa món vào dịp cuối năm. Các loại rau còn lại (như ngò, cải cúc) đang chuẩn bị xuống giống vì thời gian sinh trưởng ngắn. Hiện gia đình anh đang thu hoạch nốt phần rau cải cúc, ngò, kinh giới để làm đất chuẩn bị cho vụ rau tết.

Chú trọng trồng rau an toàn

Phường Khánh Xuân hiện có hơn 100 hộ dân chuyên nghề trồng rau, với diện tích có thời điểm lên đến hơn 30 ha. Chất lượng rau Khánh Xuân lâu nay đã được khẳng định trên thị trường nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước đây bà con có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… trong trồng rau, nhưng kể từ khi làng rau Khánh Xuân đã có thương hiệu trên thị trường thì bà con nơi đây đã quan tâm nhiều hơn đến việc sản xuất rau an toàn, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc làm này không những giảm được chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Để những bó rau an toàn đến tay người tiêu dùng, người trồng rau Khánh Xuân có những bí quyết riêng. Một trong những cách làm được nhiều bà con áp dụng là tăng cường các biện pháp diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc bón phân sinh học. Trong đó khâu làm đất kỹ càng luôn được chú trọng. Sau mỗi vụ rau, hầu như nhà nào cũng dành khoảng thời gian nhất định để phơi đất, cho đất nghỉ ngơi vài ngày trước khi bắt đầu vụ mới. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau, anh Lê Văn Huấn (liên gia  10, tổ dân phố 12) cho biết, việc chuẩn bị đất tốt trước khi xuống giống có nhiều cái lợi. Đất được cày lên, để ải, bón vôi sẽ khử khuẩn tốt hơn, làm tươi xốp và hạn chế được mầm bệnh, giúp cây phát triển tốt; đồng thời giảm được chi phí phân tro. Cùng với việc bà con tự thay đổi tập quán sản xuất, Hội nông dân phường Khánh Xuân cũng thường xuyên tổ chức nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn bà con cách canh tác mới, tuân thủ theo phương hướng sản xuất rau an toàn.

Về Khánh Xuân thời điểm này, rau đã lên luống thẳng tắp, xanh non, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc để chuẩn bị lứa rau cho kịp vụ tết. Theo nhiều nhà vườn, vụ rau tết năm nay thời tiết hơi lạnh, thỉnh thoảng có kèm nắng ấm, rất thuận lợi để cây sinh trưởng nên không mấy lo ngại. Trước thềm xuân đang gõ cửa, người làng rau Khánh Xuân đang ấp ủ, hy vọng một cái tết ấm hơn nhờ thu nhập từ những luống rau…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.