Multimedia Đọc Báo in

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03/CT-UBND: Trật tự an ninh rừng đã cơ bản được lập lại

07:59, 27/12/2013

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng vi phạm về chặt phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn xảy ra trong thời gian dài trên địa bàn, ngày 16-3-2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 03/CT-UBND. Sau một loạt các biện pháp được triển khai với sự phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp, trật tự an ninh rừng cơ bản đã được lập lại.

Xóa sổ các cơ sở chế biến ở gần rừng

Những năm trước đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng xuất hiện tình trạng các cơ sở chế biến gỗ phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, công tác quản lý các cơ sở này kém hiệu quả, thiếu kiểm tra, giám sát, nhất là các xưởng chế biến gỗ gần rừng hoặc đặt trong rừng nên một số xưởng đã trở thành điểm tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh rừng, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các ngành chức năng và chính quyền cơ sở. Nhằm lập lại trật tự trong công tác chế biến gỗ, hạn chế các điểm nóng về phá rừng trái phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và kiên quyết xử lý cơ sở vi phạm; đến nay đã  triệt xóa 67 cơ sở vi phạm. Tỉnh cũng đã thành lập đội liên ngành tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động chế biến, mua bán, nhập hóa đơn chứng từ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp… Đến nay, hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ đang dần đi vào quy củ. Từ 132 cơ sở mộc, doanh nghiệp, xưởng chế biến, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 68 cơ sở hoạt động, số còn lại đã bị đình chỉ do không nằm trong vùng quy hoạch chế biến của tỉnh, không chứng minh được nguồn gốc lâm sản; không đủ các điều kiện để hoạt động như: giấy phép xây dựng, cam kết bảo vệ môi trường, PCCC. Việc triển khai, áp dụng nội dung Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các giải pháp quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 03/2012/CT-UBND của UBND tỉnh đã tạo chuyển biến rõ rệt, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng được hạn chế.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm lâm luật (ảnh minh họa).
Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành trong hoạt động kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm lâm luật (ảnh minh họa).

Cùng với việc lập lại trật tự trong kinh doanh lâm sản, ngành kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở tiến hành rà soát danh sách các đối tượng lâm tặc và đầu nậu. Trong 2 năm đã thuyết phục 282 đối tượng lâm tặc và đầu nậu (trong đó lâm tặc: 222 đối tượng; đầu nậu: 60 đối tượng) cam kết chuyển đổi nghề.

Truy quét các điểm nóng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn các huyện vẫn còn khá nhiều điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép; vẫn còn các loại phương tiện độ chế khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, trong khi vai trò quản lý nhà nước về rừng của đa số các xã còn hạn chế. Trước thực trạng đó, Sở đã tổ chức lực lượng kiểm lâm kiểm tra truy quét nhiều đợt tại các điểm nóng xâm hại tài nguyên rừng thuộc địa bàn huyện: Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, M’Drak, Krông Pak… tịch thu hơn 500 m3 gỗ các loại và tạm giữ nhiều  phương tiện ô tô, xe độ chế. Tại huyện M’Drak, lực lượng chức năng đã lập biên bản tháo dỡ các chòi tạm, lán trại tại xã Krông Á, xã Cư San, xã Ea Trang; phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh,  Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa truy quét các đối tượng khai thác rừng trái phép tại vùng giáp ranh huyện M’Drak với huyện Sông Hinh và huyện Khánh Vĩnh với diện tích 25 ha (vùng Dak Lak 10 ha). Qua đó, đã phát hiện 93 vụ vi phạm, tịch thu, tạm giữ  244 m3 gỗ các loại, 134 kg động vật, 33 phương tiện. Tại huyện Ea H’leo, là địa bàn phức tạp với tình hình lấn chiếm, tranh chấp đất rừng thuộc các vùng dự án, ngành chức năng của huyện đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn nhằm giải quyết triệt để vấn đề này như: tập trung kiểm tra các dự án trồng cao su, trồng rừng; kiểm tra ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm 22,31 ha rừng trồng  thuộc tiểu khu 105,113, 118, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo  do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuần Mẫn quản lý; kiểm tra ngăn tình trạng phá rừng, lấn chiếm 118,2 ha đất rừng tại 4 tiểu khu 87, 95, 103, 110, xã Ea Hiao. Đồng thời, qua kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản khu vực giáp ranh huyện Ea Súp, huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 366 vụ vi phạm, tịch thu 737 m3 gỗ các loại. Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ea Súp, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh đã giúp an ninh rừng trên địa bàn huyện được kiểm soát chặt chẽ hơn. Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành kiểm tra phá bỏ 2500 m hàng rào khu vực phòng thủ SH1 do dân di cư tự do phía Bắc rào để lấn chiếm tại tiểu khu 215, 216; kiểm tra các dự án trồng cao su, trồng rừng; kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Kết quả, ngành chức năng của huyện đã lập biên bản xử lý 655 vụ vi phạm, tịch thu 2.216 m3  gỗ, 153 phương tiện các loại.

Tuy nhiên, công tác quản lý,  bảo vệ rừng của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại: việc xử lý, thu hồi rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xử lý đầu nậu lâm tặc, phương tiện độ chế thiếu kiên quyết và thiếu sự phối hợp của các ngành liên quan dẫn đến kết quả chưa cao. Đối với đất rừng bị lấn chiếm, đến nay diện tích được thu hồi và trồng lại chưa đáng kể. Việc triển khai các đoàn kiểm tra, truy quét, xử lý các vi phạm  phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chưa duy trì thường xuyên và chưa tạo được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các chủ rừng, do vậy trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm đạt hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, sự phối hợp giữa lực lượng công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ rừng còn thiếu đồng bộ nên việc cung cấp trao đổi thông tin chưa kịp thời…

Lê Hương 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.