Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình trồng cà chua ghép trong nhà lưới

13:50, 24/02/2014
Đến nay, sau 3 tháng triển khai, mô hình trồng cà chua ghép trong nhà lưới do Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cư Kuin xây dựng tại thôn Mới, xã Hòa Hiệp đã bước đầu cho thấy hiệu quả rất thiết thực.

Gia đình ông Ngô Văn Sơn ở thôn Mới, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) được chọn làm điểm để trình diễn mô hình trồng cà chua ghép trong nhà lưới. Tham gia mô hình, gia đình ông Sơn được hỗ trợ 23 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới bao che bảo đảm an toàn kỹ thuật cho cây cà chua sinh trưởng và phát triển. Sau đó, ông Sơn tiến hành đưa vào trồng 1.000 gốc cà chua ghép giống Ala nhập từ Đà Lạt trên diện tích 600m2. Do ông tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên đạt tỷ lệ sống đạt 100%. Được trồng từ ngày 16-11-2013, sau khoảng hai tháng rưỡi trồng, cây cà chua bắt đầu cho thu hoạch bói. Đến nay sau 3 tháng triển khai mô hình, gia đình ông Sơn đã thu hoạch trên 2 tấn cà chua. Do được trồng trong nhà lưới, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây cà chua ít bị sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao, giá bán trung bình từ 10.000-12.000 đồng/kg, đặc biệt vào dịp Tết có lúc giá bán lên đến 14.000đ/kg cà chua. Ông Sơn ước tính, từ lúc đưa cây cà chua vào trồng cho tới lúc thay lứa mới có thời gian khoảng 3,5 - 4 tháng, với 1.000 cây cà chua gia đình ông thu hoạch hơn 5 tấn cà chua; trừ chi phí ước tính gia đình ông có lãi trên 7 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập cao hơn hẳn so với trồng các loại rau màu khác và không có nhà lưới. Từ thành công này, sắp tới gia đình ông Sơn tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng cà chua trong nhà lưới.

Ông Vũ Thanh Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Cư Kuin cho biết: Mặc dù mô hình trồng cây cà chua ghép trong nhà lưới mới được triển khai trồng thí điểm trên địa bàn huyện nhưng đã cho kết quả rất khả quan. Qua theo dõi cho thấy cây cà chua ghép do có nhà lưới bao che nên cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu được các loại bệnh do thời tiết khí hậu như héo rũ vi khuẩn, bệnh xoăn lá gây ra. Từ kết quả thực tế của mô hình trên, năm 2014, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép trong nhà lưới trên địa bàn huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn.

Quỳnh Liên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.