Multimedia Đọc Báo in

Qua rồi cái thời "nói thách như... ở chợ"!

13:19, 22/02/2014

“Đã đi là phải biết mặc cả, không thì bị hớ dài dài”- Đó là lời mà cô bạn tôi “cảnh báo” khi tôi có ý định rủ cô vào chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột để mua một vài món đồ cần thiết.

Sau một hồi đi tới đi lui để lựa chọn, cuối cùng chúng tôi cũng nán lại tại một quầy bán quần áo trẻ em để chọn mua một chiếc áo thun. Chị bán hàng nói giá của nó là 130.000 đồng. Đinh ninh thế nào cũng sẽ bị “hét giá”, hơn nữa vì lời cảnh báo của bạn lúc nãy nên tôi đã dặn lòng “phải trả giá cho sát vào, không thì hớ to”, thế là dù không có thói quen mua hàng ở chợ, nhưng tôi nhanh miệng trả giá hạ xuống 80.000 đồng? Người bán hàng mỉm cười: “Em cứ mua đi, “bao” giá cho em luôn, chị không nói thách đâu. Tụi em cứ việc đi xem chỗ khác, nếu thấy ưng ý thì quay lại mua giúp chị”. Nhìn chất liệu vải, mẫu mã, tôi vẫn cố thủ: “Chị bớt cho em đi, không đến giá đó đâu”. Mặc tôi ra sức mặc cả, chị ta vẫn khăng khăng với mức giá ban đầu và nhất định không bớt, dù chỉ một đồng. Chào chị bán hàng, tôi theo chân cô bạn đến một vài quầy khác, cũng chiếc áo đó, có chỗ ra giá 150.000 đồng, chỗ bán 135.000 đồng. Chúng tôi bèn quay lại quầy ban đầu và  quyết định chọn mua.

Mừng vì đã mua được món hàng ưng ý, song vấn đề là liệu mình có bị hớ không? Đem băn khoăn này nói với mấy người khách cũng đang mua hàng cạnh bên, tôi được một chị đứng kề góp chuyện: “Đi chợ truyền thống bây giờ khác xưa nhiều rồi em ơi. Tiểu thương ai cũng muốn bán hàng và giữ chân khách nên không nói thách nhiều đâu, mua ở đây, em không phải lo bị hớ”. Nghe được câu chuyện giữa chúng tôi, chị bán hàng lên tiếng: Chị thừa nhận trước đây người bán thường có những tật xấu như “mặt nặng mày nhẹ” khi khách hỏi mà không mua hàng; hét giá trên trời hoặc lườm nguýt khách, thậm chí còn đốt phong long nếu khách hỏi xong bỏ đi… Rồi có một dạo chợ rơi vào cảnh vắng khách, ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua; các tiểu thương bàn với nhau tìm cách thay đổi lối giao tiếp để “giữ chân” khách hàng, bởi các siêu thị mọc lên ngày càng nhiều, chợ lại khó cạnh tranh được với các hệ thống bán lẻ ở khâu khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn… nên tiểu thương phải tìm cách thu hút khách hàng về phía mình.

Quả là đã có nhiều thay đổi, bởi đi chợ truyền thống bây giờ ít còn thấy cảnh chèo kéo khách, mà ngược lại, người bán tỏ ra đon đả mời chào, vui lòng cho khách đổi trả lại món hàng đã mua nếu thấy không vừa ý. Bằng chứng là khi tôi rời quầy hàng ra về, chị bán hàng còn đon đả với theo: “Em mang về thử, không vừa ý thì cứ ra đổi lại nhé”.

Rời chợ mà lòng tôi thấy vui vui, vì chợ truyền thống bây giờ đã văn minh lên nhiều, sự giao tiếp giữa người mua kẻ bán đã trở nên thân thiện, hòa nhã hơn; các tiểu thương thà chấp nhận lãi ít để bán được nhiều hàng và đã biết tìm cách giữ chân khách hàng dài lâu...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.