Cây cà phê: Có còn là thế mạnh?
Cây cà phê có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại nhiều hội nghị, không ít đại biểu bày tỏ băn khoăn: cây cà phê có còn giữ được thế mạnh hay không?
Nhiều điểm yếu
Theo thống kê, năm 2012, diện tích cà phê của cả nước là 615.000 ha, tăng 8% so với năm 2011 nhưng sản lượng chỉ đạt 1,26 triệu tấn, giảm 9% so với năm 2011. Diện tích cà phê năng suất thấp, dưới 1,5 tấn/ha chiếm khoảng 25% và được dự báo còn tiếp tục gia tăng vào những năm tiếp theo. Nguyên nhân là do vườn cây già trên 25 năm chiếm 20%, sẽ tăng lên 40% vào năm 2020. Bài toán tái canh đã được đặt ra nhưng lời giải còn dở dang khi vốn thì cần nhiều, kỹ thuật lại chưa hoàn thiện. Con số 20% diện tích ngoài vùng quy hoạch cũng đồng nghĩa với không đủ nguồn nước tưới và đối mặt với nguy cơ hạn hán, chi phí đầu vào tăng, năng suất giảm hoặc mất trắng mỗi mùa khô đến. Thêm vào đó, nhiều nhà khoa học cũng cảnh báo về tình trạng bón phân hóa học mức cao độ liên tục; thiếu phân hữu cơ cũng như cây che bóng làm đất đai thoái hoá, sâu bệnh gia tăng, vườn cây nhanh suy kiệt. Lượng nước tưới lại quá mức trong khi tài nguyên nước ngầm ngày càng suy giảm, dẫn đến chi phí tăng cao, lợi nhuận giảm. Chất lượng cà phê cũng không đồng đều khi vẫn còn tình trạng thu hoạch xanh, non, sơ chế bảo quản không tốt.
Cần thực hiện thu hái chín để nâng cao chất lượng cà phê. |
Còn tại Dak Lak, địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, năm 2005, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết về phát triển cà phê bền vững, tiếp đó, HĐND, UBND đã cụ thể hóa chủ trương này. Tỉnh đã thành lập tổ chuyên viên theo dõi, giúp việc cho lãnh đạo tỉnh về phát triển cà phê bền vững. Mục tiêu đến năm 2015, Dak Lak phát triển 140 – 150 nghìn héc-ta cà phê. Nhưng hiện nay, diện tích cà phê của Dak Lak đã lên tới 200 nghìn héc-ta, như vậy, sự bền vững về diện tích trên thực tế đã không được bảo đảm. Trong khi đó, diện tích cà phê của các công ty nhà nước chỉ chiếm 15-17%, còn lại phụ thuộc vào nông hộ, cây nào giá trị là họ trồng, nên dẫn đến tình trạng được mùa mất giá, mất mùa được giá. 90% doanh nghiệp ngành hàng cà phê lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng nên còn ở vị thế bị động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong năm 2012 đã rộ lên tình trạng nhiều doanh nghiệp cà phê làm ăn không đàng hoàng, như tranh mua, tranh bán, trốn thuế, hay cạnh tranh không lành mạnh. Cũng liên quan đến tính bền vững của cà phê, theo đánh giá của các nhà khoa học ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thời gian qua, cây cà phê đã bị phát triển theo phương thức thâm canh cao độ để gia tăng sản lượng nên hậu quả là làm giảm chu kỳ của cây cà phê, làm tăng các loại vi sinh vật có hại, làm giảm chất lượng đất. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Cây cà phê còn mạnh về năng suất, diện tích nhưng chất lượng thì có vấn đề. Nông dân làm cà phê nhưng chi phí đầu vào còn quá cao, ít nhất cũng chiếm đến 50% tổng doanh thu, trong đó có chi phí về nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, tính ra nếu 1 ha mà được 3 tấn nhân thì lãi cũng chẳng được bao nhiêu nếu không nói có những hộ hòa vốn. Điều đó không chỉ liên quan đến giá trị thu lại cuối cùng, điều mà nông dân quan tâm nhất là còn ảnh hưởng đến chất lượng, tính bền vững của cây cà phê.
Để cây cà phê phát triển bền vững
Còn nhớ, trong một cuộc đối thoại trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl đã khẳng định: Cà phê có vai trò quan trọng đối với Dak Lak, đóng góp 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí nếu cà phê mất mùa sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh trật tự. Phó Chủ tịch cũng cho biết, Dak Lak quyết tâm đi vào phát triển cà phê bền vững với diện tích 140-150 nghìn héc-ta, để bảo đảm sản lượng và chất lượng. Số diện tích còn lại sẽ có cách xử lý phù hợp. Lời khuyên của ông dành cho bà con nông dân là trước tình trạng chi phí sản xuất cà phê đang gia tăng, đặc biệt ở các vùng không phù hợp cho cây cà phê, người dân sẽ phải điều chỉnh và chuyển đổi canh tác. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tự nhìn lại mình, tái cấu trúc lại doanh nghiệp và có sự liên kết với nhau để đủ sức vượt qua khó khăn. Còn theo các nhà khoa học ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên như Tiến sĩ Trần Vinh, Thạc sĩ Chế Thị Đa thì để cây cà phê phát triển bền vững, phải có chiến lược phát triển gắn với thực tế trong đó xác định vai trò của từng đơn vị, từng ngành và có kiểm tra, giám sát. Quan trọng và lâu dài nữa là phải thay đổi nhận thức cho nông dân, thậm chí nếu đưa lên bàn cân còn phải coi trọng điều này hơn cả thay đổi về tính kinh tế. Bởi nếu không thay đổi về nhận thức để sản xuất bền vững hơn bằng trồng cây che bóng, chắn gió, tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tiết kiệm thì cuối cùng nông dân sẽ là người khổ nhất khi có thể ngày hôm nay cây cà phê cho năng suất cao nhưng đến một thời điểm nào đó, bị vắt kiệt quá sức, nó sẽ xuống cấp nhanh chóng. Với bài toán tiết kiệm chi phí đầu vào, nông dân cà phê cũng có thể liên kết với nhau dưới mô hình nhóm nông hộ cùng sở thích, cùng làm. Điều này sẽ giúp cà phê được canh tác tập trung, trên một đơn vị diện tích phù hợp có thể chỉ cần một chiếc máy tưới thay vì nhà nào cũng phải đầu tư máy móc của riêng mình.
Để sản xuất cà phê phát triển bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ và phù hợp với thực tế. |
TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong một cuộc Hội thảo với chủ đề “Việt Nam có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với lượng nước tưới ít hơn” được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột thì cho rằng: Cần rà soát, điều chỉnh quy mô diện tích cà phê một cách phù hợp. Cụ thể đối với những diện tích không thích hợp có năng suất dưới 1,3 tấn, khó khăn về nguồn nước tưới thì không tái canh, chuyển sang cây trồng khác; không phá rừng trồng mới cà phê; chỉ tái canh những diện tích có đủ điều kiện về nguồn nước tưới, đất tốt để giảm chi phí, hạ giá thành. Sử dụng các giống/dòng cà phê mới có năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh; tăng cường kiểm soát chất lượng cây trồng. Tuyên truyền tập huấn cho nông dân kỹ thuật tưới nước tiết kiệm kết hợp với công nghệ tưới tiết kiệm, trồng cây che bóng; hướng dẫn kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý, tăng sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật kèm theo áp dụng cơ chế mua thích hợp để khuyến khích thu hoạch đúng độ chín, không thu hoạch cà phê xanh, non.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc