09:32, 01/06/2014
Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp trích tiền gửi từ tài khoản của doanh nghiệp (DN) nhằm kịp thời thu hồi số thuế mà DN còn nợ Nhà nước là việc cần thiết, đúng quy định. Tuy nhiên, đại diện nhiều DN cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc áp dụng biện pháp này cũng cần được vận dụng một cách linh hoạt nhằm hỗ trợ DN duy trì và phát triển sản xuất, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhiều hơn.
Giám đốc một chi nhánh NH tâm sự rằng: từ đầu năm đến nay, chi nhánh của ông đã phải từ chối cho vay một số khách hàng là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB). Lý do từ chối không phải dự án vay vốn thiếu tính khả thi, mà vì DN này đang nợ tiền thuế của Nhà nước, đã bị cơ quan thuế quản lý trực tiếp phát hành văn bản gửi các NH trên địa bàn đề nghị phối hợp trích tiền từ tài khoản của DN này để nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp này, nếu chi nhánh ông đồng ý cho DN này vay vốn thì số tiền trên sẽ bị thu ngay sau khi giải ngân cho vay, có thể là chỉ thu một phần hay toàn bộ, tùy thuộc vào số thuế mà DN còn nợ ngân sách. Và như vậy, rủi ro thuộc về NH cho vay là rất lớn, vì số vốn tín dụng mà NH cho vay phục vụ dự án bị giảm bớt đáng kể, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, còn DN thì sử dụng vốn sai mục đích (vốn vay phục vụ dự án nhưng lại dùng để trả nợ thuế), ảnh hưởng xấu đến kế hoạch trả nợ cho NH.
|
Linh hoạt áp dụng biện pháp cưỡng chế sẽ giúp DN XDCB có thêm điều kiện duy trì hoạt động (ảnh minh họa). |
Số liệu tổng hợp của cơ quan thuế cho thấy, nợ thuế trong lĩnh vực XDCB luôn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng số nợ thuế. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 3-2014, trong số gần 386 tỷ đồng (nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày) thì có tới hơn 84 tỷ đồng là nợ thuế XDCB.
Nguyên nhân nợ thuế lĩnh vực này thì nhiều, bên cạnh những DN làm ăn thua lỗ do năng lực quản trị, điều hành kém thì cũng có những trường hợp bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ thuế là do Nhà nước chậm thanh toán vốn đầu tư mà các DN này đã bỏ ra thi công công trình. Nói điều này để thấy rằng, có những DN nợ thuế là do khách quan mang lại nên cần có biện pháp giúp họ vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, qua đó nộp đủ số thuế còn nợ cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách. Và, biện pháp khả thi hiện nay là các cơ quan chuyên môn cần xem xét, phân loại, nếu DN nợ thuế do chậm được Nhà nước thanh toán vốn đầu tư công trình thì không áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản mà DN vay NH để phục vụ hoạt động. Giám đốc một DN tâm sự: Vẫn biết rằng, luật pháp không cho phép “nuôi nợ”, song nếu “nuôi nợ” có thể đem lại lợi ích nhiều mặt thì cơ quan thuế cũng nên mạnh dạn thực hiện.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc