Giống cây trồng nông nghiệp kém chất lượng: Hậu quả khôn lường!
Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng các loại giống cây trồng ngắn ngày (cây nông nghiệp) của người dân ngày càng tăng cao, đã có không ít các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mặt hàng này lợi dụng tung ra thị trường những loại cây giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế của người nông dân.
Không thể phủ nhận rằng sự đa dạng, phong phú về sản phẩm giống cây nông nghiệp hiện nay đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định thị trường cây giống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ đó cũng đã khiến người dân băn khoăn không biết lựa chọn loại giống nào là phù hợp, cho hiệu quả kinh tế ổn định. Không chỉ vậy, tình trạng các loại giống giả, giống kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường đang khiến bà con nông dân thêm “hoa mắt”…
Thực tế, đã có không ít người nông dân lựa chọn nhầm giống kém chất lượng, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng nên hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí là mất trắng. Đối với cây ngô hiện nay, đa số nông dân đều gieo trồng giống ngô lai, năng suất trung bình khoảng 12 tấn/ha, trừ chi phí nông dân còn lãi từ 20 - 50 triệu đồng/ha. Song nếu không may mua phải ngô giống kém chất lượng, nông dân sẽ thiệt hại khoảng 15 - 18 triệu đồng/ha tiền giống, vật tư đầu vào. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014 vừa qua, tại xã Dak Nuê (huyện Lak), nhiều hộ dân đã gieo trồng giống ngô NK67 hiệu Syngenta có xuất xứ từ Thái Lan, được nhập khẩu bởi Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, do Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phân phối. Mặc dù sau khi gieo trồng, cây sinh trưởng rất xanh tốt nhưng ra trái không có hạt khiến hàng trăm hộ dân mất mùa nặng nề. Hay như trường hợp của nhiều hộ dân tại các xã Ea Lê, Cư M’lan (huyện Ea Súp), do được một vài doanh nghiệp bán lẻ cây giống trong tỉnh tổ chức hội thảo giới thiệu về 2 giống ngô cao sản NK67 và 30B80 (nhập khẩu từ Thái Lan, do Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam phân phối) cho năng suất cao, chống chịu được sâu bệnh, hạn hán… nên nhiều bà con đã mua về trồng. Thế nhưng, đến mùa thu hoạch thì bà con nơi đây mới ngỡ ngàng vì ngô không ra hạt, hoặc tỉ lệ hạt đạt thấp gần 20% (tổng diện tích thiệt hại khoảng gần 60ha).
Nông dân băn khoăn trong việc lựa chọn ngô giống. |
Không chỉ có giống ngô, thời gian qua cũng có hàng trăm hộ nông dân của 2 huyện Ea Kar và Krông Bông rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì trót trồng giống bí Nhất Phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi được một số đại lý trên địa bàn giới thiệu là giống bí mới cho hiệu quả kinh tế cao, lại dễ trồng nên nhiều hộ dân đã phá bỏ các cây trồng khác để trồng giống bí đỏ này. Thế nhưng, đến kỳ thu hoạch mà ruộng bí chỉ cho năng suất vài tạ/sào, nông dân lỗ nặng. Nhiều người dân tại huyện Krông Bông cho biết, thời gian đầu, cây bí phát triển rất tốt, ra nhiều hoa, ai cũng vui mừng vì tin tưởng sẽ có một vụ mùa bội thu. Nhưng đến khi cây ra trái bằng nắm tay thì bắt đầu rụng, mỗi gốc chỉ còn 1 - 2 trái nhỏ, không tư thương nào muốn mua. Toàn huyện Krông Bông có 129 hộ trồng với diện tích trên 50 ha và gần 100 hộ khác ở huyện Ea Kar điêu đứng vì trồng giống bí Nhất Phẩm này…
Thông thường người dân mua giống cây trồng chủ yếu đều thông qua hệ thống các đại lý, cửa hàng bán giống trên địa bàn sinh sống. Bên cạnh các cửa hàng có uy tín do nhà cung cấp, nhà phân phối uỷ quyền thì cũng có không ít các chủ đại lý, cửa hàng mua lại giống của các cửa hàng khác rồi bán lẻ cho người dân. Chính vì vậy, người dân khó tránh khỏi việc mua phải những loại giống giả, giống đã hết hạn sử dụng, kém chất lượng… Ông Phạm Sơn ở xã Dak Liêng (huyện Lak) bày tỏ băn khoăn: “Khi mua các loại giống cây trồng, đại lý nào cũng giới thiệu giống của mình tốt, được nhập từ các công ty lớn. Thông qua thông tin trên nhãn mác, bao bì của sản phẩm thì nông dân chúng tôi chỉ biết tin đại lý chứ làm sao xác minh được thật hay giả”.
Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt- Sở NN-PTNT khuyến cáo: Để giảm rủi ro khi mua giống cây trồng, người dân nên đến những đại lý lớn có uy tín và tìm mua cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Giống cây trồng được phép lưu hành và cung ứng trên thị trường phải được Bộ NN-PTNT cấp giấy phép, chứng nhận. Những loại giống chưa được cấp phép là do chưa đủ tiêu chuẩn lưu hành và bà con không nên sử dụng. Cũng theo ông Bộ, hàng năm, ngành chức năng tỉnh đến cấp huyện đã không ngừng đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống cây trồng trên thị trường. Song, số đại lý được kiểm tra cũng chỉ chiếm chưa đầy 10% số lượng cơ sở kinh doanh giống trên toàn tỉnh. Đã vậy, các biện pháp xử lý khi kiểm tra phát hiện giống giả, giống kém chất lượng chỉ là buộc thu hồi lại giống kém chất lượng và xử phạt hành chính từ vài trăm đến vài triệu đồng. Các biện pháp xử lý này so với lợi nhuận từ việc bán giống kém chất lượng chẳng thấm tháp gì nên vẫn không đủ sức răn đe. Chính vì vậy, đòi hỏi sự phối hợp hơn nữa của chính quyền cấp xã trong việc quản lý chất lượng giống cây trồng. Cùng với đó, người dân cũng cần biết lựa chọn giống cây trồng hiệu quả, khi phát hiện việc kinh doanh, vận chuyển giống cây kém chất lượng cần báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Quốc Thành
Ý kiến bạn đọc