Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Mô hình kinh tế kết hợp đang phát huy hiệu quả ở Krông Kmar

09:19, 04/06/2014

Những năm qua, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) tập trung đầu tư xây dựng mô hình VAC (vườn rau, ao cá, chuồng chăn nuôi...) đã đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng từ mô hình kinh tế.

Khu vườn rộng của ông Hoàng Minh Phức (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Kma, Krông Bông) đang “hái” ra bạc triệu từ mô hình VAC. Với mảnh vườn cằn cỗi, trồng lúa thì năng suất thấp, ông đã tập trung cải tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất trên diện tích hơn 2 sào đất, đầu tư chuồng trại nuôi heo, đào ao thả cá và làm rào chắn để trồng rau màu để tận dụng nguồn phân chuồng có sẵn bón cho rau. Mùa nào thức ấy, mưa thì ông xuống giống các loại cây trồng có khả năng chịu nước như đậu cô ve, đậu đũa, bầu, bí; mùa nắng thì trồng xà lách, mồng tơi, rau muống và dành một khoảng đất nhỏ để trồng cỏ nuôi cá. Xen giữa những luống rau xanh mướt là ao cá rộng hơn 500 m2, với các giống cá trắm, chép, diêu hồng… Nhờ biết chọn giống tốt lại tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để đa dạng bữa ăn cho cá, phòng trừ bệnh, vệ sinh ao, tăng dần khẩu phần ăn trên cơ sở tính toán hợp lý giữa mật độ cá trên một diện tích mặt nước, nên cá lớn nhanh thấy rõ. Theo ông Phức, nuôi cá không khó, điều quan trọng là bảo đảm nguồn nước vệ sinh cũng như tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như rau môn, bắp để đỡ chi phí đầu tư…. Từ hơn 2 sào đất ruộng canh tác không hiệu quả, gần như bỏ hoang, giờ đã mang lại thu nhập cho ông Phức trên 150 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư.

Mô hình kinh tế VAC của ông Phức hằng năm  cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Mô hình kinh tế VAC của ông Phức hằng năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng.
Chỉ có hơn 1 sào đất trũng nên gia đình chị Đinh Thị Thu chọn cách trồng rau để tăng thu nhập cho gia đình. Theo chị, đất ở đây trũng thấp, khô cằn nên trồng rau khá thích hợp vì thời gian thu hoạch ngắn, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp. Để có phân chuồng bón cho rau, chị chăn nuôi thêm đàn trên 10 con heo thịt và 2 heo nái. Kinh nghiệm nhiều năm trồng rau, cộng với những kiến thức học hỏi được từ những lớp tập huấn, chị biết cách xử lý đất như cuốc ải, bón vôi khử trùng, tận dụng phân chuồng ủ hoai để bón nên rau trồng được hầu như quanh năm chứ không phải 1-2 vụ như trước đây. Càng tự tin hơn khi năm 2010, thị trấn tạo điều kiện cho chị cùng nhiều hộ khác đi tham quan, học tập mô hình trồng rau sạch tại TP. Đà Lạt. Được chỉ dẫn nơi cung cấp cây giống mới (mua cây giống về trồng chứ không gieo hạt rồi cấy ra luống như cách làm truyền thống) và cách thức chăm sóc, chị đã mạnh dạn áp dụng ngay trên vườn rau của gia đình và đã cho hiệu quả tích cực. Đặc biệt là rau xà lách, sau khi cấy xuống, tưới nước, chăm sóc đúng cách, cây lên khá xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh, chỉ 25 ngày là cho thu hoạch. Theo chị, trồng rau chuyên nghiệp nhất thiết phải có nhà lưới che chắn, nhất là vào mùa mưa để rau không bị dập nát. Chỉ với việc trồng rau, nuôi heo trên 1 sào đất trũng, chị Thu đã về thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Chị làm phép so sánh: nếu trồng các loại rau cải, xà lách, dưa leo hay đậu đũa mà rớt giá thì giá trị mỗi ký rau cũng bằng ngang ký lúa, còn nuôi con heo bán ra cũng được trên tạ lúa, đó là chưa kể việc nuôi con này lại hỗ trợ cho trồng cây kia nên đỡ tốn chi phí đầu tư.

Hiện thị trấn Krông Kmar có hàng chục hộ dân đầu tư vào nghề trồng rau, nuôi cá với diện tích trên 13 ha, chủ yếu tập trung ở tổ dân phố 2 và 7. Theo ông Đỗ Văn Phùng - Bí thư, Chủ tịch thị trấn thì việc đầu tư cải tạo một phần diện tích đất xấu sang trồng chuyên canh rau màu, đào ao nuôi cá hay đầu tư chuồng trại nuôi heo… đã giúp địa phương sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, so với việc trồng lúa trước đây, giá trị đã tăng gấp 4-5 lần trên cùng một đơn vị diện tích, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Thời gian tới, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, mở các lớp tập huấn, mời cơ quan chuyên môn về hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con có thêm kiến thức, qua đó tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trấn cũng đang tính đến việc đầu tư, hỗ trợ để hình thành vùng chuyên canh rau theo hướng VietGap trong thời gian tới.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc