Multimedia Đọc Báo in

Nhiều biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

09:33, 01/06/2014

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp (DN), góp phần quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Một trong những giải pháp hỗ trợ DN đã và đang mang lại hiệu quả cao đó là các TCTD đồng thời hạ lãi suất cho vay mới lẫn điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Đối với việc giảm lãi suất các khoản vay cũ, hầu hết các TCTD đều chủ động thực hiện, DN không cần phải thực hiện bất kỳ một thủ tục đề nghị nào. Còn nhớ từ năm 2012 về trước, có thời điểm lãi suất cho vay dao động quanh mức 20%/năm khiến nhiều DN phải “gồng mình” chịu trận. Trước tình trạng này, ngày 9-7-2012, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký ban hành Thông báo 198 kêu gọi các TCTD hạ lãi suất các khoản vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Mặc dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật, Thông báo 198 chỉ có ý nghĩa kêu gọi nhưng các TCTD đã hưởng ứng một cách tích cực. Một trong những TCTD đi đầu thực hiện lời kêu gọi này là các chi nhánh: NH Ngoại thương Dak Lak, NH Công thương Dak Lak, NH ĐT&PT Bắc Dak Lak, NH ĐT&PT Dak Lak, NH ĐT&PT Đông Dak Lak… Từ cuối năm 2012 đến nay, các TCTD trên địa bàn đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ, từ mức trên 15%/năm về tối đa 15%/năm, rồi xuống tối đa 13%/năm. Mỗi lần điều chỉnh, lợi nhuận của các TCTD cũng giảm đáng kể, ít thì vài trăm triệu đồng, nhiều thì cả chục tỷ đồng.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, trong cơ cấu tín dụng, dư nợ cho vay lãi suất đến 9%/năm ước đạt 9.739 tỷ đồng (chiếm gần 24% tổng dư nợ cho vay); dư nợ cho vay lãi suất trên 9%/năm đến 13%/năm ước đạt 25.841 tỷ đồng (chiếm hơn 63% tổng dư nợ cho vay); dư nợ cho vay lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm ước đạt 5.122 tỷ đồng (chiếm 12,5% tổng dư nợ) và dư nợ cho vay trên 15%/năm chỉ còn 215 tỷ đồng (chiếm 0,5% tổng dư nợ cho vay). Song song với hạ lãi suất các khoản vay cũ, các TCTD cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay mới, đồng thời triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp dành riêng cho các DN. Tính đến nay, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam phổ biến 8% - 9%/năm, riêng các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ) khoảng 7,5%-8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 11%- 13%/năm. Đối với USD, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 6%-7%/năm, trung dài hạn 6,5%-8%/năm. Theo ý kiến của một số DN, việc giảm lãi suất cho vay mới lẫn những khoản vay cũ của các TCTD trong thời gian qua rất có ý nghĩa trong việc giảm bớt chi phí vốn, tiếp thêm “sức” để DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ và vừa, vốn hoạt động chủ yếu vay từ NH nên khi chi phí vốn giảm thì hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên đáng kể.
Hầu hết các TCTD đều có những chương trình hỗ trợ vốn cho DN (ảnh minh họa).
Hầu hết các TCTD đều có những chương trình hỗ trợ vốn cho DN (ảnh minh họa).

Cùng với việc giảm lãi, các TCTD cũng đang triển khai biện pháp chủ động tiếp cận DN để tư vấn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng NH. Hiện có rất nhiều NH tiến hành việc này bằng cách giao chỉ tiêu phát triển khách hàng DN cho từng nhân viên một cách cụ thể, đồng thời đưa kết quả phát triển khách hàng của từng nhân viên vào tiêu chí xem xét đánh giá kết quả thi đua. Ngoài ra, Chi nhánh NHNN Dak Lak còn phối hợp với UBND tỉnh và các TCTD tổ chức hội nghị kết nối NH-DN, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Thông qua đối thoại của chương trình này, chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quan hệ tín dụng NH-DN. Từ những nỗ lực này, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN đã từng bước thuận lợi hơn. Cụ thể, tính đến nay, mặc dù tổng dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ tăng 1,6% so với đầu năm, nhưng dư nợ cho vay DN tăng gần 5%, dư nợ cho vay xuất khẩu tăng gần 43%.

Trong một lần gặp mặt các TCTD trên địa bàn đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải đánh giá cao những nỗ lực của các TCTD trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN thời gian qua; đồng thời cũng lưu ý trong nhiều trường hợp, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN chưa hẳn hoàn toàn thuận lợi, đề nghị các TCTD cần phải nỗ lực hơn nữa. Từ thực tế cũng đặt ra yêu cầu: việc hỗ trợ vốn cho DN nói chung, kết nối NH-DN nói riêng cần được nâng lên bằng những hành động, chương trình tài trợ vốn cụ thể và duy trì một cách thường xuyên. Hiện tại, một số TCTD trên địa bàn đang xem xét đến việc sẽ liên kết lại với nhau, mỗi đơn vị dành ra một lượng vốn nhất định chỉ dành riêng cho mục đích hỗ trợ DN. Đây được xem là ý tưởng đột phá, thể hiện việc hỗ trợ DN bằng hành động “ký kết thật-làm thật”. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao vẫn rất cần sự vào cuộc của Chi nhánh NHNN Dak Lak, với vai trò “nhạc trưởng” trong tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện của các thành viên.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.