Phát triển ngành cơ khí, chế tạo: Những rào cản từ công nghiệp hỗ trợ
Những năm qua, ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo (CK, CT) ở Dak Lak đã có bước phát triển khá, với một số sản phẩm chất lượng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, rào cản trong phát triển ngành này là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn còn hạn chế.
Dây chuyền sản xuất đơn giản khiến một số sản phẩm cơ khí Dak Lak chất lượng chưa cao. |
Tuy nhiên, ngành CK, CT Dak Lak vẫn còn gặp nhiều khó khăn là phần lớn DN, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính và lao động kỹ thuật còn hạn chế, khả năng sản xuất tập trung, trình độ chuyên môn hóa, hợp tác hóa và độ tinh xảo của sản phẩm chưa cao. Đặc biệt, CNHT cho ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, chế tạo. CNHT cho ngành CK, CT là các ngành công nghiệp sản xuất các phụ tùng, linh kiện từ nguyên vật liệu đầu vào đến gia công chế tạo các sản phẩm và hệ thống dây chuyền thiết bị phục vụ ngành này. Đối với ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm yêu cầu sự kết nối của nhiều chi tiết phức tạp, đòi hỏi tính chính xác cao, dây chuyền sản xuất đồng loạt với các công đoạn lắp ráp tách biệt như CK, CT thì vai trò của CNHT càng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do chưa được “hỗ trợ” nên nhiều linh kiện cần thiết cho sản xuất DN phải đặt mua từ nơi khác, làm tăng chi phí đầu vào, phần nào giảm ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ quan trọng trong ngành CK, CT là đúc, hàn, luyện kim, gia công cơ khí, cắt gọt kim loại… còn thấp, nên sản phẩm chất lượng chưa cao và còn đơn điệu. Đồng thời, khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm đòi hỏi trình độ cao, khả năng tự động và độ chính xác khắt khe cũng còn nhiều hạn chế.
Sản xuất tại xưởng cơ khí Viết Hiền. |
Anh Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở cơ khí Minh Thùy (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhiều DN, cơ sở sản xuất, chế tạo cơ khí quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do nguồn vốn hạn chế, trong khi đó việc sản xuất phần lớn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu là lắp ráp nên sản phẩm ít có sự đổi mới, sáng tạo.
Định hướng thời gian tới của ngành CK, CT là đẩy mạnh phát triển sản xuất các thiết bị, dây chuyền phục vụ nông nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn phế liệu trong tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên phục vụ các nhà máy luyện cán thép; phát triển các sản phẩm đúc gang, kim loại màu (đồng, nhôm), đồng thời, tăng cường sản xuất các sản phẩm cơ khí đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Nhằm phát triển ngành CK, CT đúng định hướng trên, Sở Công thương đã có Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó đối với ngành cơ khí nền tảng, sẽ tìm kiếm thị trường cho những công nghệ và sản phẩm của DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực rèn, đúc chính xác tạo phôi cho chi tiết máy, đồng thời đầu tư có trọng điểm về thiết bị và công nghệ, hình thành một số cơ sở lớn chuyên sản xuất các chi tiết tiêu chuẩn, khuôn mẫu chính xác, cắt gọt và gia công áp lực vật liệu với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư xây dựng nhiều nhà máy cơ khí lớn tại TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện để hình thành 1 – 2 cụm liên kết cơ khí, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất tầm khu vực, cụ thể: nhà máy cơ khí gia công chính xác (công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm), nhà máy nhiệt luyện, xử lý bề mặt (5.000 tấn sản phẩm/năm), nhà máy sản xuất khuôn mẫu chất lượng cao (500 sản phẩm/năm) và nhà máy đúc công nghệ cao (10.000 tấn sản phẩm/năm)… Có thể nói, đây là cơ sở để tạo bước đột phá cho ngành CK, CT Dak Lak trong tương lại.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc