Tăng cường cho vay tín chấp – vẫn chưa hy vọng tạo bước đột phá tăng trưởng tín dụng
Theo chỉ thị trên, các ngân hàng thương mại xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin của khách hàng từ các tổ chức chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của mình để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay… Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong văn bản đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Việc khuyến khích cho vay tín chấp là một nỗ lực nữa của nhà điều hành để có thể thúc đẩy tín dụng tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm, khi mà 7 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ ở mức 3,68%.
Khách hàng đang giao dịch tại Vietinbank chi nhánh Dak Lak. |
Tuy nhiên, không phải khi Chính phủ, NHNN khuyến khích cho vay tín chấp thì hình thức cho vay này mới được thực hiện. NHNN chi nhánh Dak Lak cho biết, đến hết tháng 7-2014, tổng dư nợ toàn hệ thống là 39.962 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tín chấp là 8.871 tỷ đồng. Nhưng dư nợ chủ yếu của hình thức cho vay này là thông qua lương, thẻ tín dụng… với đối tượng là công chức, viên chức. Trong khi đó, theo đại diện một ngân hàng thương mại, chủ trương triển khai cho vay tín chấp là một trong những biện pháp gỡ khó cho các DN vừa và nhỏ, nhưng các ngân hàng hiện khá dè dặt vì sợ nợ xấu. Để hiệu quả, ngân hàng phải chọn DN xếp hạng tín nhiệm nội bộ kỹ càng. Bản thân các DN muốn vay tín chấp phải được thẩm định lại phương án sản xuất kinh doanh, có tính khả thi cao ngân hàng mới dám cho vay tín chấp. Hơn nữa để ngân hàng có thể đánh giá được mức độ tín nhiệm và cân nhắc cho vay, các DN vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh minh bạch, có thể mở tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản… trong một khoảng thời gian nhất định. Do vậy đối với các DN vừa và nhỏ, để được cho vay tín chấp là không đơn giản.
Có thể thấy, chủ trương tăng cường cho vay tín chấp rõ ràng là biện pháp hữu hiệu để nâng tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng, trước những khó khăn trên, chủ trương này sẽ khó hy vọng tạo nên bước đột phá tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc