Cần xác định đúng mức giá trị của cây ca cao
Cùng với các sản phẩm cà phê, tiêu…, hạt ca cao đang trở thành mặt hàng nông sản tiềm năng của Dak Lak, có sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài. Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành thế mạnh, cần có cách nhìn mới về cây ca cao nhằm tập trung nguồn lực đầu tư phát triển bền vững.
Nâng cao trình độ sản xuất
Theo Sở NN-PTNT, Dak Lak hiện có khoảng 2.100 ha ca cao, giảm khoảng 20% so với năm trước, năng suất đạt 12 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.400 tấn khô. Điều đáng nói ở đây là mặc dù diện tích, sản lượng chưa nhiều nhưng trình độ sản xuất của nông dân đã ở mức khá cao. Khác với cà phê, ngay từ đầu, cây ca cao ở Dak Lak đã được trồng chủ yếu bằng những giống ghép và hạt lai F1 cho năng suất, chất lượng cao và khả năng thích nghi rộng. Nông dân được thường xuyên hướng dẫn, tập huấn các biện pháp kỹ thuật canh tác như: tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh… và được thực hành ngay tại vườn nên bà con không bị lúng túng khi áp dụng vào thực tế. Đi đôi với trình độ canh tác, chất lượng hạt cũng được nông dân hết sức quan tâm và hướng đến sản xuất đạt tiêu chuẩn UTZ. Hiện nay, một số tổ chức và dự án (UTZ, Helvetas, Solidaridad, dự án PPP ca cao) đang hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình chứng nhận UTZ, niên vụ 2014-2015 Dak Lak đã có 4 đơn vị đăng ký tham gia chứng nhận UTZ, với 997 hộ, 780 ha, và sản lượng đăng ký 940 tấn. Đặc biệt, dự án PPP ca cao (dự án hợp tác công tư tăng cường phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và cơ sở vật chất cho sản xuất ca cao tại Dak Lak.
Ngoài các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, dự án đã hỗ trợ cho 7/11 điểm lên men, mỗi điểm 3 thùng ủ hạt, 1 lò sấy, 1 nhà lên men và bảng hiệu, cùng với thành lập được 11 tổ hợp tác ở các huyện Ea Kar, Lak, Buôn Đôn, với 265 hộ tham gia, diện tích 103 ha. Các tổ hợp tác này bước đầu đã thể hiện được vai trò nhất định trong tổ chức chuyển giao kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra. Anh Trần Văn Âm, chủ nhiệm tổ hợp tác sản xuất ca cao thôn 3, xã Ea Sar (huyện Ea Kar) cho biết, hiện tổ hợp tác có 25 hộ tham gia, với diện tích 20 ha, hầu hết nông dân tổ chức sản xuất rất tốt từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, lên men, vì vậy năng suất bình quân đạt khá cao 2,5 tấn khô/ha, rất nhiều hộ đạt đến 3 tấn khô, nhất là khâu lên men, nông dân thực hiện rất chuẩn, luôn đạt chất lượng cao nên những năm gần đây bà con ít bán hạt ngay mà dự trữ chờ giá cao mới bán ra, nhờ đó cũng giảm được rủi ro về biến động giá. Tuy sản lượng còn ít, nhưng ca cao Dak Lak luôn được các công ty thu mua đánh giá cao về chất lượng do được lên men đúng quy trình, rất thích hợp để chế biến thành sôcôla nguyên chất, và gần như 100% ca cao của tỉnh đều được lên men, kích cỡ hạt khá đồng đều, được xếp vào loại ca cao có chất lượng cao trên thế giới. Bởi thế nên nhiều công ty thu mua ca cao như Cargill, Puratos Grand Place... đã đầu quân vào Dak Lak từ thời gian đầu trồng ca cao nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Vườn ca cao nhà ông Hứa Văn Nghiệp (Ea Sar, huyện Ea Kar) được đầu tư chăm sóc tốt nên cho hiệu quả kinh tế cao. |
Đừng xem ca cao là cây trồng phụ
Không phải ngẫu nhiên mà ca cao Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng được nhiều tập đoàn lớn tập trung đầu tư như một vùng nguyên liệu tiềm năng, vì theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), toàn thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao vào năm 2020, trong khi đó sức tiêu thụ sôcôla ở vùng Châu Á đang tăng cao, ngoài Nhật Bản, nước tiêu thụ sôcôla lớn nhất Châu Á, với mức 1,8 kg/người/năm, còn có 3 quốc gia đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, với 2,8 tỷ người, bình quân tiêu thụ 0,06 kg/người/năm. Chính vì vậy, Châu Á sẽ dần trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ sôcôla trong tương lai, và Việt Nam có vị trí chiến lược để đáp ứng nhu cầu ca cao chất lượng của Châu Á, trong đó có Dak Lak.
Nông dân ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pak tự lên men hạt ca cao để bán được giá cao. |
Tuy tiềm năng kinh tế rất lớn, nhưng xem ra thân phận cây ca cao ở địa phương khá lận đận, trong khi diện tích cà phê, hồ tiêu luôn vượt quy hoạch thì diện tích ca cao lại không đạt theo quy hoạch đề ra do không thể cạnh tranh với các loại cây lâu năm khác. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ở Dak Lak không có cây trồng nào có thể chiếm ưu thế bằng cây cà phê và hiện tại là cây tiêu (do giá tăng cao, người dân đã đổ xô trồng). Mặt khác, ngay từ đầu, các dự án phát triển ca cao đều xác định đây là cây trồng xen, cải tạo vườn tạp và chủ yếu dành cho người nghèo ở những vùng đất cũng khá nghèo về dinh dưỡng, đây là một hạn chế dẫn đến cây ca cao không phát triển được. Để khắc phục những hạn chế này, ca cao cần phải được những hộ, công ty có tiềm lực đầu tư, vì trên thực tế cây này cũng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, cộng với điều kiện thổ nhưỡng canh tác phù hợp mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ông Thích cho rằng, thời gian tới cần phải có cách nhìn khác về cây ca cao, không nên xem ca cao là cây trồng phụ nữa, đồng thời để người dân tin vào cây ca cao, doanh nghiệp cần đưa ra giá thu mua tốt và liên kết bền vững với nông dân nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, Nhà nước cũng cần đầu tư mạnh mẽ cho chuỗi giá trị ngành hàng ca cao, nhất là có chính sách về vốn vay ưu đãi để nông dân đầu tư tốt hơn cho ca cao.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc