Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Hướng phát triển kinh tế ở Hòa Tiến

09:48, 23/12/2014

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương đã tạo “sức bật” để xã Hòa Tiến (huyện Krông Pak) vươn lên. Qua đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ổn định hơn trước.

Vươn lên nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Trước đây, gia đình anh Lê Đình Khương ở thôn 1B khởi nghiệp bằng nghề nuôi heo theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lại không có kinh nghiệm, ít vốn đầu tư nên cũng chỉ đủ “lấy công làm lãi”. Sau khi được tham quan một số mô hình phát triển kinh tế, anh quyết định phá bỏ gần 1 sào cà phê trong vườn để làm chuồng và mua 7 con dê giống về nuôi. Do biết cách chăm sóc nên đàn dê của gia đình anh ngày càng phát triển, đến nay đã có 25 con dê mẹ và hơn 70 con dê thịt. Bình quân mỗi năm anh xuất bán 100 con dê giống, với giá từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, thu được khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Khương cho biết, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cây cỏ tự nhiên như cây keo, dâm bụt, lá mít… có sẵn ở địa phương, chuồng trại đơn giản nên mô hình này phù hợp với những hộ ít vốn. Hơn nữa, nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng đem lại nhiều lợi ích: không mất công chăn thả, không bị lây lan nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp lại có nguồn phân ủ hoai mục để chăm bón thêm cho cây cà phê. Qua thực tế trên địa bàn xã cho thấy, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi heo. Chính vì vậy, từ vài hộ nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay toàn xã đã có 30 hộ áp dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Nguyễn Hoài Mận chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Nguyễn Hoài Mận chăm sóc đàn bò của gia đình.

Không chỉ có gia đình anh Khương mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn xã Hòa Tiến đã vươn lên thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý. Chẳng hạn như gia đình ông Nguyễn Hoài Mận ở thôn 3. Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình VAC được quy hoạch khá bài bản, ông Mận nhiệt tình chia sẻ về cách thức xây dựng mô hình này. Trước đây gia đình ông chỉ độc canh cây cà phê nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Qua các lớp tập huấn của Hội Nông dân, ông mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”. Từ 22 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông quyết định đầu tư chăn nuôi gà, vịt, khi tích lũy được vốn lại mua thêm dê, bò và đầu tư chăm sóc cà phê. Cùng với đó, ở khu vực đất trũng, gia đình ông đào ao thả cá. Vừa làm, vừa hoàn thiện dần mô hình, đến nay, trang trại VAC đã phát triển khá toàn diện: 4 sào cà phê cho thu hoạch 1,3 tấn/năm, 34 con dê, 7 bò thịt, đàn gà, vịt trên 400 con, 2 sào ao nuôi cá trắm, trê, chép, mè, đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm. Mô hình VAC không chỉ giúp gia đình ông Mận thoát nghèo mà còn trở thành địa chỉ cho nông dân trong xã tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Minh Tâm cho biết, Hòa Tiến là một xã thuần nông nhưng tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế, vốn đầu tư ít lại thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 24% (năm 2010). Trước thực tế đó, năm 2012, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”. Đồng thời, UBND xã cũng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết trên.

Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã cũng triển khai đồng bộ 5 giải pháp chủ yếu. Trước hết, đối với cơ cấu giống, tăng cường sử dụng các loại giống lai, giống cao sản, áp dụng chương trình ICM, IPM vào sản xuất, cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp ghép; sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo và khuyến khích phát triển các loại vật nuôi đặc sản như thỏ, nhím, dê, chồn, heo rừng… Để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xã tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, xây dựng mô hình điểm để người dân học tập, nhân rộng; chú trọng các biện pháp thâm canh, xen canh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, xã đầu tư xây dựng, kiên cố hóa kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, hình thành các khu vực chăn nuôi tập trung nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, để giúp người dân có vốn phát triển sản xuất, hằng năm xã ưu tiên bố trí nguồn kinh phí trích từ ngân sách phục vụ cho công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chỉ đạo các đoàn thể tín chấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến cuối năm 2014 gần 12 tỷ đồng cho 963 hộ nghèo, đối tượng chính sách vay. Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò chủ đạo trong triển khai thực hiện nghị quyết, Đảng ủy xã đã phân công trách nhiệm cụ thể và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên và ban tự quản 7 thôn. Cách làm đó đã giúp Hòa Tiến phá thế độc canh cây cà phê, lúa nước, chăn nuôi heo, gà sang hướng đa cây, đa con, xuất hiện nhiều hình thức chăn nuôi mới, nhiều mô hình kinh tế trang trại hiệu quả: trồng rau xanh, ngô lai, bơ booth, mít nghệ, tiêu, chăn nuôi dê, bò, các loại gia cầm, thủy sản… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 24% (năm 2010) xuống còn 13% (năm 2014), đời sống của đại đa số người dân được cải thiện rõ rệt.

Có thể nói, với hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ tạo đà cho Hòa Tiến từng bước phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững.

 Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.