HTX Toàn Thịnh - thương hiệu rau an toàn cho người nội trợ
Kỳ cuối: Tìm đầu ra cho sản phẩm để bảo vệ thương hiệu
Dù sản phẩm rau của HTX Toàn Thịnh đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, song, đầu ra lại rất bấp bênh. Trên thực tế, 90% số rau an toàn của HTX vẫn phải “đánh đồng” bán rẻ, cạnh tranh giá cả với các loại rau khác. Làm thế nào để tìm được đầu ra ổn định, giá cả phù hợp để các thành viên có kinh phí tái đầu tư, có niềm tin và hứng khởi để tiếp tục sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP giữ vững thương hiệu rau an toàn của mình đang là điều trăn trở của Ban quản trị HTX Toàn Thịnh và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Dak Lak.
Nghịch lý cung - cầu
Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh luôn ý thức chọn rau an toàn (RAT) để sử dụng cho những bữa ăn gia đình. Thế nhưng, trên thực tế lại tồn tại một nghịch lý, người có nhu cầu chẳng biết tìm mua RAT ở đâu, còn người bán thì “bí” đầu ra cho sản phẩm.
Việc sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP đòi hỏi các thành viên của HTX Toàn Thịnh phải thực hiện đúng theo quy trình với trên 20 tiêu chí, phải qua công đoạn sơ chế trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường nên giá bán phải cao hơn so với rau trồng bình thường mới có lãi. Thế nhưng, hiện chỉ có 10% lượng rau thu hoạch có thị trường ổn định từ các hợp đồng mua hàng ngày của siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Số còn lại, bà con nông dân, các thành viên và Ban quản lý HTX phải tự tìm cách tiêu thụ, cạnh tranh giá cả với giá rau ngoài thị trường và chịu lỗ nặng. Điều này là bất hợp lý với người bỏ nhiều công sức và chi phí để có được loại rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Đỗ Văn Khoan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Toàn Thịnh chua chát cho biết: Tháng 10 vừa rồi HTX lỗ hơn 6 triệu đồng và chính ông cũng phải tự đèo rau đi ngồi chợ bán lẻ từng trăm đồng rau thơm và luôn miệng quảng cáo RAT của HTX nhưng chẳng ai để ý đến và cũng chẳng có gì làm bằng chứng cho người ta tin… Ông Khoan kể thêm: HTX đã liên hệ với Ban quản lý chợ Ea Kiết (Cư M’gar) cách xa hơn 20 km và được bố trí một quầy bán lẻ rau ở đó. Nhưng vì người dân vùng xa vẫn chưa được tiếp cận với những kiến thức về RAT nên không hiểu hết giá trị của sản phẩm và điều họ quan tâm vẫn là giá cả. Vì vậy có hôm, thành viên của HTX thồ được 2 xe máy rau vào chợ Ea Kiết để bán thì vừa lúc có xe tải chở rau ở nơi khác vào bán, giá 1kg rau của họ chỉ bằng 1/3 giá RAT của HTX nên cuối cùng đành phải bán giá theo xe tải và chịu lỗ nặng… Thực tế là bên cung-bên cầu với sản phẩm RAT vẫn có những rào cản khi NTD ở nông thôn thì thiếu thông tin về sản phẩm an toàn; NTD thành thị thì đang bị lạc vào “ma trận” thật giả, “vàng thau” lẫn lộn; còn người sản xuất thì không đủ cơ sở, lý lẽ để minh chứng cho rau mình làm ra là bảo đảm chất lượng…
Bộ phận sơ chế và đóng gói rau. |
Trong khi đó, thực tế cho thấy nhu cầu RAT của NTD ở thành thị là rất lớn. Chị Mai Hòa ở phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) nói đầy vẻ tha thiết: “Chỉ cần có hàng rau sạch thì dù giá có đắt gấp đôi tôi vẫn mua”… Không chỉ riêng chị Hòa mà rất nhiều bà nội trợ đều mong muốn chợ có hàng rau sạch đạt chuẩn để mua. Một minh chứng cho sự “khát” RAT đó là những hàng rau, quả của các bà, các chị hái ở vườn ra, còi cọc, sâu sia vậy mà luôn được sự săn đón của mọi người, bán đắt như tôm tươi, dành nhau lấy vội không màng giá cả. Nhưng hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và cũng chưa có chợ truyền thống nào có khu dành riêng bán RAT. Ngay cả ban quản lý các chợ cũng không quan tâm, khi cho rằng không có chức năng kiểm soát RAT hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Chính quyền các cấp cũng không quan tâm đến vấn đề “rau cỏ” này…
Cần thêm nhiều sự hỗ trợ
Việc thực hiện sản xuất RAT theo chứng nhận VietGAP đã khó nhưng việc duy trì, ổn định và bảo vệ thương hiệu còn khó hơn gấp nhiều lần vì giá trị của chứng nhận VietGAP chỉ có thời hạn một năm và sau đó tái cấp nếu các đợt kiểm tra đột xuất, định kỳ của các cơ quan chuyên ngành đạt được các tiêu chí quy định. Vì vậy đòi hỏi các thành viên tham gia mô hình của HTX phải tuân thủ triệt để các quy chuẩn sản xuất. Trong khi đó tiêu thụ bấp bênh, thu nhập không bảo đảm để có chi phí tái đầu tư thì liệu các thành viên có trụ nổi với quy trình trồng RAT không? Vì vậy tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chính là điều kiện tiên quyết để bảo vệ thương hiệu RAT của HTX Toàn Thịnh.
Nhằm hỗ trợ HTX Toàn Thịnh trong việc tiêu thụ sản phẩm, bắt đầu từ tháng 11-2014, Chi cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản Dak Lak đã in lô gô gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT. Việc này giúp quản lý thống nhất, cũng như tạo dựng được thương hiệu riêng cho RAT của HTX Toàn Thịnh. Thời gian tới, Chi cục cũng đang có dự án treo băng rôn ở những quầy bán lẻ RAT của HTX. Những hoạt động này sẽ cải thiện đáng kể mối quan hệ cung - cầu giữa NTD và HTX.
Bên cạnh đó, vấn đề cốt lõi vẫn là cần hình thành các quầy, sạp chuyên bán RAT tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có chứng nhận, kiểm định của cơ quan chức năng. Khi đã có được quầy hàng, mạng lưới tiêu thụ rộng lớn, nông dân không còn loay hoay tìm đầu ra nữa thì sẽ yên tâm sản xuất, thúc đẩy và gia tăng diện tích trồng RAT với đa dạng sản phẩm hơn. Khi được NTD ủng hộ, mặt hàng này tiêu thụ tốt thì không chỉ HTX sẽ phát huy được năng lực sản xuất mà sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm khi đến tay NTD. Tuy nhiên, để có được sạp RAT ở các chợ truyền thống hay những cửa hàng, điểm bán, cung ứng rau an toàn cần có sự hỗ trợ về chủ trương chính sách đầu tư bảo đảm hỗ trợ cả về vốn và mặt pháp lý của các cấp chính quyền…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc